05:15 01/05/2020

Elizabeth Van Lew – Nữ điệp viên giỏi nhất thời Nội chiến Mỹ - Kỳ 1

Là thành viên của tầng lớp tinh hoa ở thành phố Richmond (Mỹ), Elizabeth Van Lew đã thách thức quy tắc thông thường và Liên minh miền Nam để chuyển bí mật cho Chính phủ Liên bang trong Nội chiến Mỹ.

Kỳ 1: Người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa xoá bỏ chiếm hữu nô lệ

Theo trang smithsonianmag.com, Elizabeth Van Lew là một trong những điệp viên hiệu quả nhất của Chính phủ Liên bang. 

Khi Nội chiến nổ ra năm 1861, các quan chức Chính phủ Liên bang và Liên minh miền Nam không bao giờ có thể dự đoán được vai trò của phụ nữ trong việc thu thập thông tin về kẻ thù. Khi cả phụ nữ miền Nam và Bắc đều cung cấp thông tin tình báo quan trọng về mọi thứ từ hoạt động di chuyển của kẻ thù cho tới chiến lược quân sự, cả hai phe đều tích cực tuyển phụ nữ làm điệp viên. Trong giai đoạn Nội chiến, hàng trăm phụ nữ đã làm điệp viên bí mật, sẵn sàng liều mạng sống để phục vụ sự nghiệp.

Sử gia Elizabeth Leonard nhận xét: “Một trong những điều khiến phụ nữ làm điệp viên hiệu quả trong giai đoạn này là vì không mấy ai nghĩ họ sẽ tham gia vào hoạt động “phi quý bà” như vậy và họ phải có sự dẻo dai về thể lực, tinh thần mới có thể thành công”.

Người phụ nữ tốt bụng

Chú thích ảnh
Bà Elizabeth Van Lew. Ảnh: Alamy

Elizabeth Van Lew sinh ngày 12/10/1818 ở Richmond, bang Virginia. Cha là ông John Van Lew, mẹ là bà Eliza Baker. Ông ngoại của bà là người theo chủ nghĩa bãi nô tên là Hilary Baker, Thị trưởng Philadelphia từ năm 1796 tới 1798. Cha bà tới Richmond năm 1806 từ khi 16 tuổi và trong vòng 20 năm, ông đã xây dựng công việc kinh doanh nông cụ phát đạt và có một số nô lệ.

Gia đình gửi bà Van Lew tới Philadelphia để học. Ở đây, bà càng phát triển tư tưởng bãi nô. Khi cha mất năm 1842, bà và mẹ đã giải phóng các nô lệ trong gia đình. Nhiều người tiếp tục làm người phục vụ hưởng lương trong gia đình bà Van Lew. 

Trong cuộc suy thoái năm 1837-1844, bà đã dùng toàn bộ tiền thừa kế 10.000 USD (200.000 USD thời giá hiện nay) để mua và giải phóng một số họ hàng của các nô lệ cũ trong gia đình mình. Nhiều năm sau đó, anh trai bà thường tới chợ nô lệ ở Richmond và khi nào thấy một gia đình nô lệ sắp bị ly tán, ông sẽ mua cả gia đình, mang họ về nhà và giải phóng cho họ.

Sau khi cha mất, bà vẫn sống với mẹ trong căn nhà ba tầng ở Virginia, thủ đô của Liên minh miền Nam. Bà Van Lew dù rất tự hào về dòng dõi ở Richmond của mình nhưng bà phản đối mạnh mẽ ly khai và chế độ nô lệ. Bà cảm thấy thương khi chứng kiến cảnh nô lệ bị đánh đập trên phố. Trong cuốn nhật ký bí mật mà bà chôn trong sân nhà, bà đã nói lên suy nghĩ của mình và thề chỉ tiết lộ cuốn nhật ký khi hấp hối.

Sử gia Elizabeth Varon, tác giả cuốn “Southern Lady, Yankee Spy” (tạm dịch: Quý bà miền Nam, gián điệp miền Bắc), nhận định: “Van Lew luôn giả vờ là một người trung thành với Liên minh miền Nam”.

Khi hàng xóm giàu có ăn mừng chiến thắng của Liên minh miền Nam, bà Van Lew tập trung giúp đỡ Chính phủ Liên bang. Trong vòng 4 năm, bà đã lặng lẽ gửi tin tình báo giá trị cho các quan chức Chính phủ Liên bang, cung cấp thức ăn, thuốc men cho tù binh chiến tranh, hỗ trợ họ lên kế hoạch vượt ngục và thậm chí còn tự điều hành một mạng lưới điệp viên riêng. Theo ông William Rasmussen, người quản lý Hội Lịch sử Virginia, bà Van Lew là điệp viên thành công nhất trong Nội chiến của Chính phủ Liên bang.

Tuy nhiên, chiến thắng của Chính phủ Liên bang sẽ khiến bà Van Lew phải đánh đổi không chỉ bằng tài sản gia đình mà còn bằng vị trí của bản thân trong trong tầng lớp tinh hoa ở Richmond.

Giúp đỡ tù nhân ở nhà tù Libby

Chú thích ảnh
Bà Van Lew đưa thức ăn cho tù nhân. Ảnh: Alamy

Bà Van Lew nhìn thấy cơ hội đầu tiên để hỗ trợ Chính phủ Liên bang sau trận Manassas tháng 7/1861. Không có nơi nào để giữ tù nhân Chính phủ Liên bang đang tràn vào Richmond, Liên minh miền Nam đã giam họ trong một nhà kho thuốc lá. Nhà kho đó đã trở thành nhà tù Libby khét tiếng. Thời đó, tù nhân sống trong nhà kho phải trải qua điều kiện khắc nghiệt. Hàng trăm người chịu cảnh bệnh tật, đói và tuyệt vọng.

Bà Van Lew đã tình nguyện làm y tá tại đó nhưng lời đề nghị bị người phụ trách nhà tù là Trung úy David H. Todd, anh em cùng cha khác mẹ với Đệ nhất Phu nhân Mỹ Mary Todd Lincoln, từ chối. Bà đã vượt mặt Trung úy Todd, thuyết phục cấp trên của người này là Tướng John H. Winder để cho phép bà và mẹ mang thức ăn, sách và thuốc cho tù nhân.

Bà Van Lew và mẹ đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì hành động trên. Tờ Richmond Enquirer viết: “Hai quý bà, mẹ và con gái, sống ở Church Hill, gần đây đã thu hút sự chú ý của dư luận khi thường xuyên quan tâm tới tù nhân miền Bắc. Hai phụ nữ này đã sử dụng của cải giàu có để hỗ trợ những kẻ vô lại đã xâm chiếm mảnh đất thiêng liêng của chúng ta”. Tờ Richmond Dispatch còn viết rằng nếu nhà Van Lew không ngừng lại, họ sẽ bị vạch trần và bị coi là kẻ thù của đất nước. 

Không lâu sau, họ nhanh chóng bị đe dọa bạo lực. Bà Va Lew từng viết: “Tôi đã gặp những người chỉ ngón tay vào mặt tôi và nói những thứ khủng khiếp. Họ dọa đuổi chúng tôi đi, dọa đốt nhà, dọa giết chết”.

Những lời lẽ đe dọa chỉ khiến bà Van Lew thêm quyết tâm giúp Chính phủ Liên bang. Bà đã chuyển thông tin cho tù nhân thông qua ngăn bí mật trong đĩa đồ ăn và liên lạc với họ qua tin nhắn giấu trong sách. Bà đã hối lộ cai ngục để đưa thêm thức ăn và quần áo cho tù nhân, chuyển họ tới bệnh viện để bà có thể hỏi han họ. Bà thậm chí còn giúp tù nhân lên kế hoạch trốn thoát, giấu nhiều người trong nhà trong thời gian ngắn.

Kỳ 2: Lãnh đạo mạng lưới điệp viên 

Thùy Dương/Báo Tin tức