05:07 09/05/2014

Ecuador không quan tâm hợp tác với Mỹ trong phòng chống ma túy

Bộ trưởng nội vụ Ecuador José Serrano ngày 8/5 cho biết nước ông không quan tâm hợp tác với Mỹ trong phòng chống ma túy, mà theo ông không hiệu quả, vì Washington không triệt phá được các băng đảng tội phạm và các vụ buôn lậu lớn tại quốc gia Nam Mỹ này.

Bộ trưởng nội vụ Ecuador José Serrano ngày 8/5 cho biết nước ông không quan tâm hợp tác với Mỹ trong phòng chống ma túy, mà theo ông không hiệu quả, vì Washington không triệt phá được các băng đảng tội phạm và các vụ buôn lậu lớn tại quốc gia Nam Mỹ này.


Bình luận về quyết định của chính phủ Mỹ đóng cửa Văn phòng hợp tác chống buôn lậu ma túy tại Ecuador, quan chức trên khẳng định Ecuador không cần “hai con chó (nghiệp vụ) và hai chiếc xe (cảnh sát)", ám chỉ tới viện trợ của Mỹ trong phòng chống ma túy.


Phát biểu trước một tiểu ban tại Hạ viện Mỹ hôm 7/5, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Văn phòng thực thi pháp luật và hợp tác phòng, chống ma túy quốc tế (INL) William R. Brownfield cho biết Washington sẽ đóng cửa văn phòng trên vào cuối tháng 9 tới sau hơn 30 năm hoạt động tại Ecuador.


Hiện INL hợp tác với gần 20 nước tại Mỹ Latinh nhằm giảm buôn lậu vũ khí và ma túy cũng như tình trạng bạo lực nảy sinh từ vấn nạn này, thông qua hợp tác huấn luyện lực lượng an ninh và nhân viên tư pháp, triệt phá cây gây nghiện và chống rửa tiền.


Theo ông Brownfield, quyết định đóng cửa văn phòng INL tại Ecuador phản ánh “bản chất mối quan hệ hợp tác” giữa Washington và Quito.


Năm 2009 Tổng thống Ecuador Rafael Correa quyết định không gia hạn cho Mỹ thuê căn cứ quân sự Manta, được đánh giá có giá trị chiến lược đối với Washington trong việc kiểm soát máy bay và tàu ngầm do các băng nhóm tội phạm sử dụng để buôn lậu ma túy.


Tuy nhiên, trong 4 năm sau khi căn cứ này bị đóng cửa, Ecuador đã tịch thu 241 tấn ma túy, lớn hơn rất nhiều so với con số 81 tấn bị thu giữ trong 10 năm Mỹ sử dụng Manta.


Trong lĩnh vực chống ma túy, một số nước cánh tả tại Mỹ Latinh cũng từ chối hợp tác với Mỹ bởi lo ngại Washington sử dụng nó như một chiêu bài để gây bất ổn.


Năm 2005, Venezuela chấm dứt hợp tác với Cơ quan bài trừ ma túy Mỹ (DEA). Sau đó, năm 2008, DEA cũng bị trục xuất khỏi Bolivia.


Hôm 30/4 vừa qua là hạn chót do chính phủ Ecuador đưa ra để toàn bộ 20 nhân viên của Văn phòng hợp tác an ninh trực thuộc Đại sứ quán Mỹ rời Ecuador.


Tư lệnh Bộ chỉ huy phương Nam của Mỹ John Kelly cho rằng hành động trục xuất trên cho thấy Washington mất ảnh hưởng tại quốc gia Nam Mỹ này và tại Mỹ Latinh nói chung.



Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)