03:23 14/03/2012

EAST LOOP - Thắp sáng niềm tin sau thảm họa

Sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011, hàng loạt dự án nhân đạo đã ra đời ở vùng Tohoku (đông bắc Nhật Bản), với mục đích hàn gắn vết thương trong tâm hồn của các nạn nhân ... EAST LOOP là một trong những dự án như vậy.

Sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011, hàng loạt dự án nhân đạo đã ra đời ở vùng Tohoku (đông bắc Nhật Bản), với mục đích hàn gắn vết thương trong tâm hồn của các nạn nhân - những người đã mất hết mọi thứ, từ nhà cửa, tài sản, công việc và thậm chí cả người thân - và giúp họ hòa nhập với cộng đồng mới ở nơi sơ tán. EAST LOOP là một trong những dự án như vậy.

Những phụ nữ tham gia dự án EAST LOOP ở Ishinomaki.

Dự án hiện có sự tham gia của khoảng 120 phụ nữ đến từ các tỉnh Iwate và Miyagi, hai địa phương bị tàn phá nặng nề nhất bởi thảm họa kép năm ngoái. Mục tiêu của dự án là động viên tinh thần và tạo công ăn, việc làm cho những phụ nữ này...

Cùng sẻ chia hoạn nạn

Dự án EAST LOOP ra đời vài tháng sau thảm họa kép theo sáng kiến của bà Tamae Takatsu, Chủ tịch Công ty TNHH Fukuichi - một công ty thương mại có trụ sở ở thành phố Osaka.

Năm 1995, bà Takatsu đã từng trải qua một cú sốc lớn khi siêu động đất Hanshin phá hủy ngôi nhà của bà ở thành phố Nishinomiya thuộc tỉnh Hyogo, và cướp đi một số bạn bè của bà. Sau trận động đất ngày 11/3/2011, bà Takatsu đã tới thăm nhiều khu vực bị thảm họa và tận mắt chứng kiến cuộc sống vô cùng khó khăn của các nạn nhân. Những trải nghiệm kinh hoàng năm 1995 lại hiện về và thôi thúc bà Takatsu thành lập EAST LOOP để hỗ trợ những phụ nữ không may mắn ở Tohoku.

Đầu tháng 3 này, phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có dịp đến thăm một cơ sở của EAST LOOP trong tổ hợp nhà tạm mang tên “Thị trấn Thương mại Ngày mai Ishinomaki” ở thành phố Ishinomaki thuộc tỉnh Miyagi. Tổ hợp gồm 1.150 nhà tạm được xây dựng sau ngày 11/3/2011 và hiện là nơi cư trú của khoảng 2.500 nạn nhân thảm họa.

Tổ hợp nhà tạm “Thị trấn Thương mại Ngày mai Ishinomaki”.


Tiếp chúng tôi trong một nhà tạm, bà Takatsu cho biết thông qua EAST LOOP, bà muốn chữa lành vết thương tinh thần cho những phụ nữ đã đột ngột mất hết mọi thứ sau thảm họa, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho họ. Bên cạnh đó, qua dự án này, bà cũng muốn tạo cơ hội cho những người sẵn sàng giúp đỡ các nạn nhân thảm họa.

Những phụ nữ tham gia EAST LOOP được học cách đan len - một công việc có thể làm trong những lúc rảnh rỗi ngay ở các nhà tạm hay bất cứ chỗ nào để có thêm thu nhập. Các sản phẩm làm ra được Công ty Fukuichi đem bán với giá 800 yên/sản phẩm và 400 yên trong số đó được chia cho những người đã tạo ra sản phẩm. Đến tháng 11/2011, những người phụ nữ tham gia EAST LOOP đã sản xuất khoảng 10.000 sản phẩm, với doanh thu lên tới 11 triệu yên. Các sản phẩm của EAST LOOK không chỉ có mặt ở Nhật Bản mà còn được xuất khẩu sang Italia và một số nước khác.

Đưa niềm tin trở lại

Trong số những phụ nữ có mặt ở tổ hợp nhà tạm hôm ấy, tôi ấn tượng mạnh với bà Reiko Chiba, một người phụ nữ đến từ thành phố Higashi-Matsushima. Sau thảm họa năm ngoái, bà Chiba và chồng đều may mắn thoát chết. Tuy nhiên, trận động đất kinh hoàng đó đã phá hủy nhà và cướp đi toàn bộ của tài sản của gia đình bà.

Bà Chiba kể với tôi: Khi động đất xảy ra, bà đang ở nhà. Sau đó, chồng bà hét lên thất thanh: “Sóng thần đang tới”. Bà Chiba vội vã bỏ điện thoại di động và radio vào túi, rồi chạy lên tầng 2. Rất may, sóng thần không kéo sập ngôi nhà nên người phụ nữ này đã thoát chết. Trong khi đó, dù ở tầng 1 nhưng chồng bà Chiba cũng may mắn khi không bị sóng thần cuốn trôi nhờ bám được vào một thân cây.

“Ngày hôm sau, nước bắt đầu rút. Chúng tôi tìm đến một trung tâm sơ tán để trú qua đêm. Ở đó có khoảng 100 người và tất cả mọi người đều phải ngủ trên sàn nhà. Sau đó, chúng tôi đã di chuyển qua ba trung tâm sơ tán. Đến tháng 8, chúng tôi chuyển đến sống trong một khu nhà tạm ở Higashi-Matsushima và đoàn tụ với gia đình con trai”, bà Chiba kể.

Gia đình bà Chiba gồm 6 nhân khẩu, được bố trí sống trong hai căn nhà tạm. Cuộc sống trong căn nhà chật chội đó thực sự rất khó khăn. Mặc dù gia đình bà không phải trả tiền thuê nhà nhưng hàng tháng, họ phải trả khoảng 27.000 yên tiền điện, nước và ga. Để tiết kiệm điện, vợ chồng bà Chiba và gia đình người con trai thường sinh hoạt tập trung trong một căn nhà.

Sau động đất, người con trai của bà đã bị mất việc làm trong một công ty xe điện ở Ishinomaki, trong khi hai vợ chồng bà sống bằng lương hưu. Do vậy, để nuôi gia đình, con trai bà phải làm thuê ở nhiều nơi. Rất may là gần đây, anh này đã tìm được việc làm ổn định hơn ở Shiogama.

Trong khi đó, chồng bà Chiba, vốn là một nông dân, muốn từ bỏ nghề nông bởi vì họ đã mất hết máy móc và thiết bị nông nghiệp. "Bây giờ, ông ấy suốt ngày chỉ ở trong nhà… Một số người nghĩ rằng sau động đất, phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn so với đàn ông nhưng tôi thì khác. Tôi muốn ra ngoài và giao lưu với mọi người”, người phụ nữ này tự tin nói.

Không chỉ bà Chiba, nhiều phụ nữ khác đã tham gia EAST LOOP để hòa nhập với cộng đồng mới ở các khu nhà tạm trong vùng Tohoku. Bà Rinko Obata, một cư dân khác của TP Higashi-Matsushima, cho rằng tham gia vào EAST LOOP, “chúng tôi có cơ hội gặp gỡ để nói chuyện với nhau và cùng nhau làm các sản phẩm thủ công. Những người cô độc sẽ được động viên và cảm thấy họ vẫn là phần của xã hội. Chúng tôi thực sự vui vẻ khi làm việc”.

Anh Keita Watanabe, Tổng Thư ký của Mạng lưới hỗ trợ Phục hồi Ishinomaki – một tổ chức phi lợi nhuận đang hỗ trợ các hoạt động của EAST LOOP ở Ishinomaki, cho biết sau động đất, khoảng 7.300 căn nhà tạm đã được xây dựng thành phố Ishinomaki. Có nhiều vấn đề nảy sinh ở các khu nhà tạm này như nhà cửa chật hẹp, không đầy đủ tiện nghi và những người sống ở đây đều là những người sơ tán và không biết nhau từ trước. Vì vậy, anh Watanabe cho biết, “chúng tôi đã tổ chức các hoạt động thể thao và văn hóa như karaoke, ca nhạc… để giúp những người sơ tán làm quen và hòa nhập với cộng đồng mới”.

Rời Ishinomaki, tôi nhớ mãi những người phụ nữ đã trải qua cú sốc có lẽ là lớn nhất trong cuộc đời nhưng họ dũng cảm vượt qua và nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Tôi thầm cảm phục họ, dù không khỏi lo ngại tương lai của họ sẽ ra sao khi tổ hợp nhà tạm này chỉ tồn tại trong 2 năm.

Bài và ảnh: Thanh Tùng(P/v TTXVN tại Nhật Bản)