08:23 31/08/2015

Duyên nợ 20 năm của Nhà hát Tuổi trẻ với sân khấu Nhật Bản (kỳ đầu)

Suốt từ năm 1995 đến nay, Nhà hát Tuổi trẻ đã đón rất nhiều đoàn nghệ thuật của Nhật Bản, từ ca múa nhạc, nhạc kịch, kịch tâm lý xã hội, kịch câm, múa đương đại.

Cái duyên 20 năm ấy bắt đầu từ năm 1995, khi đoàn kịch Nhật Bản Tokyo Angeki Ensemble, với sự hỗ trợ của Quỹ Giao lưu Văn hóa Nhật Bản (Japan Foudation) mang vở kịch “Okinawa” sang Việt Nam biểu diễn, nhân kỷ niệm 22 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản.


Kỳ 1: Nối dài những quan hệ hợp tác


Đạo diễn Tadashi Suzuki và các nghệ sĩ Việt Nam tại Festival sân khấu quốc tế Toga 2015


Khi đó, Nhà hát Tuổi trẻ - với sức trẻ, với tiếng vang của mình với những vở diễn kịch nổi tiếng, đã được lựa chọn là đối tác của Tokyo Angeki Ensemble trong chuyến biểu diễn xuyên Việt của họ. “Okinawa” là vở diễn về đề tài chống chiến tranh của Nhà hát kịch Nhật bản thiên về trường phái kịch Bertold Brecht, dùng sân khấu để thể hiện thế giới hiện đại này. Chương trình hợp tác đã rất thành công, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng các nghệ sĩ Việt Nam cũng như Nhật Bản. Đặc biệt, các nghệ sĩ Nhật Bản đánh giá rất cao cách làm việc chuyên nghiệp, gắn bó, tận tụy, chia sẻ trong việc tổ chức của Nhà hát Tuổi trẻ.


Cũng chính từ ấn tượng ban đầu ấy, vào năm 2008, khi quyết định mang vở diễn “Người tốt thành Tứ Xuyên” sang Việt Nam biểu diễn, đoàn kịch Tokyo Angeki Ensemble lại quyết định “nối duyên” với Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT). Chương trình biểu diễn xuyên Việt với các điểm dừng chân tại Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh, đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả Việt Nam và được đánh giá là một chuyến lưu diễn thành công của đoàn kịch Tokyo Angeki Ensemble và Nhà hát Tuổi trẻ.


Không chỉ có duyên với đoàn kịch Nhật Bản Tokyo Angeki Ensemble, suốt từ năm 1995 đến nay, Nhà hát Tuổi trẻ đã đón rất nhiều đoàn nghệ thuật của Nhật Bản, từ ca múa nhạc, nhạc kịch, kịch tâm lý xã hội, kịch câm, múa đương đại; tính ra mỗi năm cũng có đến 2-3 đoàn, thậm chí là có đến 5 chương trình nghệ thuật Nhật Bản khác nhau sang lưu diễn tại NHTT và đi tour ở khắp Việt Nam, do NHTT là đối tác đứng ra tổ chức.


Cũng chính vì lý do này, có thể khẳng định, NHTT là Nhà hát đầu tiên có quan hệ hợp tác đa dạng về mặt nghệ thuật với Nhật Bản, đặc biệt về sân khấu biểu diễn, đã ghi nhận những thành công nhất định như vở “Okinawa”, “Người tốt thành Tứ Xuyên”, rồi những vở nhạc kịch như “Tiếng vọng”, các vở diễn khác của Nhật Bản theo hình thức sân khấu hóa như vở kịch hình thể “Mahabharata”, các chương trình hòa nhạc, các loại hình sân khấu đương đại nhất của Nhật Bản như các chương trình độc diễn kịch câm, các chương trình múa đương đại Nhật Bản, thậm chí kể cả hip hop của Nhật Bản, hay chương trình nghệ thuật đương đại Nhật Bản “Go, go, go” với sự pha trộn giữa sân khấu biểu diễn và nhạc kịch, âm nhạc…


Với một bề dầy hợp tác giao lưu ấy, cho nên cũng không có gì bất ngờ khi trong số tất cả các Nhà hát ở phía Bắc, Chính phủ Nhật Bản, sau khi khảo sát tâm lý khán giả, năng lực biểu diễn nghệ thuật, năng lực hợp tác giao lưu… đã chọn NHTT là nơi nhận gói tài trợ ODA không hoàn lại cho việc nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật số âm thanh, kỹ thuật số ánh sáng đồng bộ đầu tiên ở phía Bắc cho các địa điểm biểu diễn, trong dịp cuối năm 2013, đầu năm 2014.


Ông Ando- Chủ tịch Quỹ Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, chụp cùng các nghệ sĩ Việt Nam


Song song với việc đó, cuối năm 2013, Quỹ Giao lưu văn hóa Nhật Bản cũng quyết định chọn NHTT là đối tác chiến lược để phát triển các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa Nhật Bản với Việt Nam, cũng như với các nước ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam được chọn là điểm đầu tiên để kết hợp cùng với Nhật Bản và các nước ASEAN trong lĩnh vực giao lưu, hợp tác này. Và tháng 11/2013, một đoàn cán bộ quản lý, nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng, đạo diễn của Việt Nam, tổng cộng 25 người, do tôi làm trưởng đoàn, đã được Quỹ mời tham gia chuyến khảo sát đặc biệt tới 15 nhà hát, trung tâm biểu diễn tiêu biểu nhất của nước Nhật. Trong chuyến khảo sát này, gần như mỗi đêm đoàn đều được xem một chương trình biểu diễn khác nhau như kịch Kabuki, kịch tâm lý hiện đại, sân khấu truyền thống, sân khấu Nô, nhạc kịch, tại những nhà hát có tên tuổi lớn nhất của Nhật Bản như Nhà hát Tân Quốc gia, Nhà hát SIKI- một nhà hát về nhạc kịch rất hiện đại, Nhà hát múa rối cổ truyền. Tôi vẫn còn nhớ như in những cảm xúc của chuyến khảo sát đầy ấn tượng ấy, khi mỗi đêm lại di chuyển tới một điểm để xem kịch, có lúc đi máy bay, có lúc bập bềnh trên chuyến tàu hỏa cao tốc…


Khán giả Nhật và khán giả quốc tế đổ về Toga rất đông để dự Festival sân khấu quốc tế Toga 2015


Tiếp sau chuyến giao lưu ấy, là chương trình tu nghiệp dành cho các đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng của NHTT tại Nhật Bản trong bốn tháng, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 8/2014, do NSND Lê Khanh làm trưởng đoàn, đào tạo tại các trung tâm sân khấu lớn của Nhật Bản về nghề. Đồng thời, một “khối tài sản” vô giá, gồm những trang thiết bị hiện đại nhất, đồng bộ nhất về âm thanh, ánh sáng, đã đến với sân khấu của NHTT.


Tính từ năm 2013-2014, tổng số tiền của các chương trình giao lưu, hợp tác, tu nghiệp và tài trợ trang thiết bị của Chính phủ Nhật Bản cho NHTT là khoảng nửa triệu USD. Nhờ đó, NHTT đã có một bước chuyên nghiệp hóa về đường hướng hoạt động nghệ thuật biểu diễn, cách tiếp cận với khán giả trẻ, công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, cũng như trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ…


Sau đợt hỗ trợ đào tạo về con người, năm 2015 này, Quỹ Giao lưu văn hóa Nhật Bản đã tiếp tục hợp tác với NHTT trong một dự án hợp tác chiến lược, sẽ kéo dài từ năm 2015-2020, theo đó sẽ tiếp tục gói hỗ trợ về mặt sáng tạo nghệ thuật, nhằm tạo ra các sản phẩm nghệ thuật để biểu diễn phục vụ cho khán giả Việt Nam hoặc để giao lưu văn hóa với nước ngoài. Đặc biệt, sẽ lấy NHTT làm nòng cốt để kết nối với các nhà hát nghệ thuật ở Đông Nam Á và ASEAN như Lào, Campuchia, Philippines, Singapore… Theo đó, sẽ thúc đẩy việc hợp tác giữa NHTT với nhà hát SIKI, Nhà hát nổi tiếng của Nhật Bản với những chương trình biểu diễn thu hút đông đảo khán giả trẻ, có doanh thu cao nhờ bán vé.


Tác giả và đạo diễn sân khấu nổi tiếng Nhật Bản, Tadashi Suzuki


Một năm Nhà hát SIKI biểu diễn 6.000 buổi cho khoảng 6 triệu khán giả trên khắp nước Nhật và chỉ làm tour đi diễn khắp nơi tại Nhật Bản, chứ không biểu diễn ở nước ngoài. Nhà hát SIKI hiện có khoảng 600 diễn viên và cán bộ nhân viên, chia ra 6 đoàn nghệ thuật khác nhau. Nhưng ít ai biết, cách đây 10 năm, Nhà hát SIKI đã trong tình trạng gần như phá sản, bế tắc trong việc bán vé kiếm doanh thu; thậm chí các nghệ sỹ, diễn viên khi làm ra chương trình phải tự mang vé đi quảng cáo bán cho người thân, bạn bè để nuôi sống nhà hát… Nhưng đến nay, sau 10 năm nỗ lực, SIKI đã trở thành một trong những nhà hát có doanh thu số 1 Nhật Bản. Vừa qua, Nhà hát SIKI đã dựng thành công vở nhạc kịch “Aladin và cây đèn thần” và đã bán hết vé các buổi biểu diễn cho cả năm sau (năm 2016) và chuẩn bị bán vé vở diễn này cho năm 2017.


Triển khai hoạt động hợp tác, mới đây, ban giám đốc Nhà hát SIKI, bao gồm nhà sản xuất, đạo diễn, biên đạo múa… đã sang làm việc với NHTT và quyết định bắt đầu kế hoạch hợp tác và hỗ trợ cho NHTT trong 5 năm tới. Theo đó, từ năm 2015 - 2020 sẽ hỗ trợ làm hai chương trình nhạc kịch.


Từ ngày 25/9-10/10 tới, sẽ có 5 nghệ sỹ, diễn viên, biên đạo múa của NHTT sang tập huấn tại Nhà hát SIKI, để làm nòng cốt cho việc dàn dựng chương trình của NHTT thời gian tới. Bên cạnh đó, còn có một số nhà hát ở các nước Đông Nam Á sẽ sang Nhật Bản tập huấn cùng để xây dựng các tác phẩm về thể nghiệm và hình thể và hướng tới các Festival sân khấu quốc tế. Và dịp cuối tháng 12/2015, đầu tháng 1/2016, theo đó sẽ có một nhóm đạo diễn và biên đạo của Nhà hát KAAT ở Yokohama sang tập huấn và tuyển chọn cho dự án hợp tác quốc tế thứ 2 về kịch hình thể của sân khấu thể nghiệm tại Nhà hát Tuổi trẻ.

Ghi chép của ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ