08:16 21/08/2013

Đường vừa làm xong đã hỏng

Mặt đường gồ ghề, rạn nứt, sụt lún nhiều chỗ. Nghiêm trọng hơn cả là cát, sỏi, xi măng không kết dính với nhau, những mảng bê tông ở mép đường bung lên chỉ cần dùng tay bẻ nhẹ là vỡ vụn. Đó là thực tế của những tuyến đường bê tông thuộc thôn 11, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Mặt đường gồ ghề, rạn nứt, sụt lún nhiều chỗ. Nghiêm trọng hơn cả là cát, sỏi, xi măng không kết dính với nhau, những mảng bê tông ở mép đường bung lên chỉ cần dùng tay bẻ nhẹ là vỡ vụn. Đó là thực tế của những tuyến đường bê tông thuộc thôn 11, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Hàng chục hộ dân thôn 11, xã Tân Long bức xúc và phản ứng quyết liệt khi đường giao thông của thôn vừa đưa vào sử dụng đã hỏng. Theo chân những người dân thôn 11, hiện ra trước mắt chúng tôi là con đường bị nứt nhiều chỗ, mặt đường trơ sỏi, gồ ghề, những mảng bê tông bị bung lên chỉ cần dùng tay bẻ nhẹ là vỡ vụn.


Những mảng bê tông bung lên dùng tay bẻ nhẹ là vỡ vụn.


Chị Hà Thị Liên, người dân của thôn 11 cho biết: Ba tuyến đường của thôn được nhà nước cho xi măng và nhân dân chúng tôi đóng tiền mua cát sỏi, bỏ công ra làm. Vậy mà, cả ba tuyến mới sử dụng được 2 năm đều đã hỏng và xuống cấp, nhất là tuyến đường ngay cửa nhà tôi, xe chở mía đi có vài lần mà mặt đường nhiều đoạn đã nứt toác và sụp lún. Người dân nghèo chúng tôi ai cũng mong có con đường sạch, thuận tiện cho việc đi lại, ấy thế mà đã hỏng thế này đây, có phải do "xi măng rởm không hay do những người quản lý làm đường đã không làm đúng theo thiết kế và quy định của nhà nước?" Chị Liên đặt nghi vấn.


Còn bà Phạm Thị Nguyên, 60 tuổi, là người dân cùng thôn với chị Liên cũng bức xúc: Bao nhiêu năm nay, người dân chúng tôi phải đi đường đất, chớm mưa là lầy lội, việc đi lại rất khó khăn. Nay được Nhà nước quan tâm cho chúng tôi xi măng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đường bê tông, nhân dân chúng tôi rất phấn khởi. Thế mà, vừa mới sử dụng được 2 năm đường đã hỏng hết thế này liệu đời con, đời cháu chúng tôi có còn đường bê tông mà đi nữa không?


Con đường bê tông sụt lún và gẫy nứt.


Được biết, thôn 11, xã Tân Long có 117 hộ (439 khẩu) phải nộp tiền xây dựng đường bê tông chung của thôn; trong đó có 400 khẩu phải nộp theo định mức là 120.000đ/khẩu, còn lại 39 khẩu phải nộp 50% định mức là 60.000đ/khẩu; tổng số tiền thu được của thôn 11 để làm đường bê tông trong năm 2011 là hơn 100 triệu đồng.

Ngoài ra, để làm đường bê tông trong năm 2011, thôn 11 được Nhà nước cấp xi măng để làm đường giao thông nông thôn là 205,4 tấn với tổng chiều dài các tuyến đường là 1.084m.


Sau khi được cấp xi măng, thôn 11 đã tiến hành làm đường bê tông theo dự toán đã được phê duyệt. Thôn đã tổ chức họp dân và thống nhất bầu Ban quản lý xây dựng. Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân, đường bị hỏng do UBND xã Tân Long, Ban quản lý xây dựng đường bê tông thôn 11 không làm theo thiết kế mẫu, kỹ thuật và trình tự thi công; không thi công phần nền đúng yêu cầu kỹ thuật, mặt đường chưa đạt độ bằng phẳng còn nhiều chỗ lồi lõm nhưng vẫn tiến hành đổ bê tông mặt đường. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát không thường xuyên; tỷ lệ cấp phối vật liệu (xi măng, cát, sỏi) chưa thực hiện đúng hướng dẫn....

Đường làm sai thiết kế không đủ độ dầy của bê tông là 16cm.


Làm việc với chúng tôi, ông Chu Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã Tân Long thừa nhận: Ba tuyến đường của thôn 11 được làm và đưa vào sử dụng từ năm 2011, đến nay đã bị hỏng và xuống cấp. Nguyên nhân là do Ban quản lý chưa có kinh nghiệm làm đường bê tông nông thôn; đường làm không đúng theo thiết kế, một số đoạn đã bị gẫy nứt. Đồng thời, công tác kiểm tra giám sát không thường xuyên dẫn tới làm đường sai kỹ thuật.


Những con đường giao thông nông thôn hoàn thành sẽ góp phần rất lớn trong việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân liên thôn. Thế nhưng, chỉ vừa mới sử dụng được 2 năm mà đã hỏng. Tiền người dân đóng góp không thể đổi lấy một công trình kém chất lượng như thế. Đây là câu hỏi lớn cần ngay lời giải đáp từ các cấp, chính quyền địa phương.


Bài, ảnh: Nguyễn Thị Thu Hằng