09:03 03/09/2018

Đường sắt nối với Trung Quốc 'lợi bất cập hại' cho cố đô Lào?

Khoảng 11% du khách đến Lào là người Trung Quốc, và khi tuyến đường sắt nối hai quốc gia được hoàn thành, dự kiến có nhiều cơ hội hơn đến với ngành du lịch của "đất nước triệu voi". Tuy nhiên, kèm theo đó là những thách thức không hề nhỏ đối với cố đô Luang Prabang của Lào.

Trong tổng số 3,86 triệu du khách đến Lào năm 2017, khách Trung Quốc chiếm 11%. Khách Trung Quốc thường đến Lào bằng đường bộ, họ lái xe thẳng từ thủ phủ tỉnh Vân Nam là Côn Minh tới Luang Prabang và Vang Vieng. Riêng năm 2017, có 210.133 du khách Trung Quốc chọn đường bộ để đến du lịch Lào.

Chú thích ảnh
 Luang Prabang là cố đô của Lào đồng thời là di sản văn hóa thế giới UNESCO từ năm 1995. Ảnh: SCMP

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết tuyến đường sắt được khởi công từ năm 2017 dự kiến là đòn bảy để thêm nhiều du khách Trung Quốc đến thăm đất nước Lào bình yên với nhiều cảnh đẹp thiên nhiên.

Tuyến đường sắt dài 414 km nối giữa thị trấn biên giới Boten tỉnh Luang Namtha (Lào) tới thủ đô Vientiane. Trong những điểm dừng trên tuyến đường sắt này có cố đô Luang Prabang và địa điểm du lịch mới nổi thu hút khách nước ngoài là Vang Vieng.

Tuyến đường sắt Lào- Trung Quốc trị giá 6 tỷ USD dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 12/2021 với tàu thương mại đạt vận tốc 160km/h và tàu vận tải là 120km/h. Ngoài cơ hội, Luang Prabang cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn khi lượng du khách Trung Quốc khổng lồ ùn ùn kéo tới sau khi tuyến đường sắt hoàn thành.

Lào không có các bãi biển đẹp hay dịch vụ du lịch phát triển như hai quốc gia láng giềng là Thái Lan và Việt Nam do vậy chính phủ quốc gia này đã đầu tư quảng bá về du lịch sinh thái và du lịch bền vững liên quan với văn hóa. Và Luang Prabang là một trong những địa điểm thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này.
 

Chú thích ảnh
Tính đến nay tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc đã hoàn thành được 20%. Ảnh: SCMP

Du khách khi đến Luang Prabang luôn ấn tượng bởi cảnh đẹp thiên nhiên như dòng sông Mekong, thác Kuang Si nước màu ngọc bích hay những ngôi đền đẹp đơn cử là Wat Xieng Thong và hoạt động tín ngưỡng đặc biệt vào sáng sớm khi các vị sư đi khất thực. Một số địa điểm thu hút khác là làng Tre, trung tâm về voi, vườn thực vật Pha Tad Ke…

Nhiều chuỗi khách sạn nổi tiếng thế giới như Amanti, Avani, Belmond, Pullman, Rosewood và Sofitel cũng đã tìm đến Luang Prabang, điều này cho thấy nơi đây cũng là địa điểm thu hút du khách châu Âu và Bắc Mỹ.

Chú thích ảnh
Các nhà sư đi khất thực tại Luang Prabang. Ảnh: SCMP

Tại Luang Prabang diễn ra hiện tượng cư dân địa phương bán hoặc cho thuê nhà của họ để nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc chuyển công năng sử dụng thành nhà nghỉ, khách sạn… Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà hàng và nhà khách địa phương cũng chấp nhận cho nhà đầu tư nước ngoài thuê để kinh doanh vì họ không có lợi thế về ngôn ngữ và tiếp thị.

Do vậy, dự kiến khi tuyến đường sắt được hoàn thành, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đổ về Luang Prabang và người kinh doanh địa phương sẽ có lựa chọn là học tiếng Quan Thoại hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đánh giá đây có thể là thiệt hại đối với Lào về lĩnh vực du lịch và văn hóa.

Ông Georgie Walsh, quản lý công ty du lịch Diethelm Travel tại Lào, còn đánh giá lượng khách Trung Quốc đổ về đông còn gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân Lào vốn có bản chất hiền lành, đơn giản. Ông Walsh cho biết người dân Lào thường lịch sự và nhường nhịn trong khi người Trung Quốc lại khá ồn ã và táo bạo.

Hà Linh/Báo Tin tức