07:13 10/07/2014

Đường sắt - 'bàn đạp' cho giai đoạn tăng trưởng mới của kinh tế Ấn Độ

Hệ thống đường sắt Ấn Độ mỗi ngày chuyên chở khoảng 30 triệu lượt khách và khoảng 3 triệu tấn hàng hóa, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Mặc dù có hệ thống đường sắt lớn và hoạt động khá hiệu quả, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của hành khách.

Hệ thống đường sắt Ấn Độ hiện có tổng chiều dài khoảng hơn 110.000 km, khoảng 7.000 ga tàu nổi và ga ngầm, trải rộng khắp toàn quốc, thậm chí kết nối tới các nước láng giềng như Nepal, Bangladesh và Pakistan. Hệ thống đường sắt Ấn Độ mỗi ngày chuyên chở khoảng 30 triệu lượt khách và khoảng 3 triệu tấn hàng hóa, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Mặc dù có hệ thống đường sắt lớn và hoạt động khá hiệu quả, song ngành đường sắt Ấn Độ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của hành khách.

Nhân viên rà soát bom mìn trên đường ray tại ngoại ô Bodhgaya. Ảnh: AFP/ TTXVN


Ngay sau khi thành lập chính phủ mới ngày 26/5 vừa qua, Thủ tướng Narendra Modi đã xác định đường sắt là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển. Phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 8/7, ngay sau khi Bộ trưởng phụ trách về đường sắt Bộ trưởng Sadananda Gowda trình bày dự chi ngân sách của ngành, Thủ tướng Modi nhấn mạnh: ngân sách đường sắt là “bàn đạp” cho giai đoạn tăng trưởng mới trong nền kinh tế Ấn Độ, là động cơ tăng trưởng của đất nước. Ngân sách đường sắt chú trọng vào sự minh bạch và phát triển. Ngân sách đường sắt được sử dụng để hiện đại hóa hệ thống đường sắt và cải thiện tình trạng kết nối; thực hiện mục tiêu hiện đại hóa về công nghệ, bảo đảm an toàn cho hành khách, tăng độ tiện dụng trên tàu như kết nối Internet không dây, tăng chất lượng phục vụ ăn uống.

Trong báo cáo ngân sách chính thức cho tài khóa 2014-2015, Bộ trưởng Gowda đã đề nghị mức dự chi cao chưa từng có, với 65.445 crore rupee (1 crore = 10 triệu rupee), trong đó kinh phí do chính phủ cấp là 30.000 crore rupee, vay vốn từ thị trường 11.790 crore rupee, nguồn nội bộ của ngành 15.350 crore rupee, 6.005 crore rupee huy động thông qua hình thức đối tác công-tư (PPP), trong khi ngành đường sắt sẽ thành lập một quỹ an toàn gồm 2.200 crore rupee.

Bộ trưởng Gowda cho biết ngành đường sắt Ấn Độ hiện đứng trước nhiều thách thức về nguồn vốn phát triển và nhu cầu ngày càng tăng của hành khách đi tàu. Chỉ riêng việc hoàn thiện các dự án đang dở dang sẽ cần tới 182.000 crore rupee. Bộ trưởng Gowda đề nghị đưa vào sử dụng 58 đoàn tàu mới, trong đó có các tàu tốc hành hạng sang trong năm nay, đồng thời mở rộng 11 tàu hiện đang hoạt động; tiếp tục bố trí các tàu đặc biệt để đáp ứng nhu cầu hành khách trong các thời kỳ cao điểm như lễ hội và kỳ nghỉ. Theo giải trình dự chi ngân sách của Bộ trưởng Gowda, hãng đường sắt Ấn Độ sẽ chi 100 crore rupee để xây dựng các đường sắt tốc độ cao nhằm kết nối các thành phố lớn; xây dựng tuyến đường sắt siêu tốc trên tuyến hành lang công nghiệp Mumbai-Ahmedabad; chính phủ cần 900.000 crore rupee để phát triển hệ thống đường sắt “tứ giác Kim cương” (diamond quadrilateral network) cho các tàu hỏa tốc độ cao.


Minh Lý