07:22 22/07/2015

Đường ống dẫn nước sông Đà lại vỡ!

Việc vỡ đường ống dẫn nước sông Đà lần thứ 11 vào ngày 21/7 lại gây không ít xáo trộn cuộc sống cho hơn 70.000 người dân khu vực phía tây thành phố Hà Nội.

Việc vỡ đường ống dẫn nước sông Đà lần thứ 11 vào ngày 21/7 lại gây không ít xáo trộn cuộc sống cho hơn 70.000 người dân khu vực phía tây thành phố Hà Nội.

Lo ngay ngáy

Theo Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco), đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ tại km 26+760, Đại lộ Thăng Long vào lúc 11giờ 45 ngày 21/7. Đơn vị đã huy động hơn 100 công nhân và 4 máy xúc, cần cẩu có mặt tại hiện trường để sửa chữa. Đến rạng sáng ngày 22/7 đã hoàn thành sửa chữa và cấp nước trở lại.

Khắc phục sự cố vỡ ống dẫn nước sông Đà.


Tuy vậy, đến trưa 22/7, chị Nguyễn Ngọc Trâm, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) cho biết, vẫn chưa có nước. “Hiện nhà tôi vẫn dùng nước dự trữ trong bể, nếu thêm ngày nữa không có nước thì lại phải dùng nước giếng khoan dự phòng. Ở đây, nhà nào cũng có giếng khoan để đề phòng trường hợp mất nước do sự cố vỡ ống nước sông Đà. Còn nước ăn thì mua bình nước lọc về dùng cho an toàn”, chị Nguyễn Ngọc Trâm cho biết.

Theo kinh nghiệm của chị Trâm, nếu đúng như lời hứa cấp trở lại vào sáng ngày 22/7, thì phải sang ngày 23/7, mới có nước trở lại.

Tương tự, chị Đỗ Thanh Mai, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho biết: “Mùa hè nắng nóng lại mất nước thì thật quá khổ cho người dân đô thị. Đợi đến sáng 23/7, nếu không có nước, gia đình tôi sẽ sơ tán về nhà mẹ ở quận Tây Hồ để tá túc vài hôm”.

Đại diện một số doanh nghiệp trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) cho biết, đang lên phương án mua nước xe téc về cấp cho hoạt động văn phòng. Những lần vỡ ống nước sông Đà trước đây, doanh nghiệp phải mua nước xe téc với giá 3 triệu đồng/xe của Công ty nước sạch Hà Nội để duy trì hoạt động.

Năm 2014, đường ống dẫn nước sông Đà đã vỡ 5 lần và từ đầu năm 2015 đã vỡ 2 lần. Điệp khúc mất nước do vỡ đường ống sông Đà đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hơn 70.000 hộ dân các khu vực phía tây thành phố gồm quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Tại buổi tiếp xúc cử tri sau cuộc họp HĐND mới đây, cử tri các quận phía tây thành phố đã tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng mất nước do vỡ ống nước và mong thành phố sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Vẫn tiếp tục phải chờ

Bộ Xây dựng đã khẳng định, đường ống nước sông Đà hiện nay làm bằng ống cốt thủy tinh, không đảm bảo tiêu chuẩn nên việc vỡ đường ống nước sông Đà là điều dự báo trước. Do đó, nếu không sớm triển khai đường ống dẫn số 2, nhằm giảm tải áp lực, thì vẫn có nguy cơ vỡ và tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống người dân vùng đô thị.

Sự cấp thiết là vậy, nhưng đến nay Vinaconex, chủ đầu tư dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà, vẫn liên tục thất hứa trong việc xây dựng tuyến ống số 2, dù lãnh đạo Hà Nội đã tạo điều kiện, hỗ trợ để Vinaconex có thể triển khai sớm dự án. Từ cuối năm 2014, thành phố Hà Nội đã thống nhất với Bộ Xây dựng để Vinaconex đầu tư xây dựng tuyến đường ống truyền dẫn số 2 từ quốc lộ 21 về đường vành đai 3. Thành phố đã yêu cầu hoàn thành đường ống số 2 trước dịp hè 2015. Trước áp lực của dư luận và tình trạng vỡ liên tục đường ống trong năm 2014, Vinaconex liên tục hứa sẽ khởi công trước tháng 9/2014, sau lùi đến tháng 3/2015 và gần đây nhất hứa sẽ khởi công trong tháng 8 hoặc tháng 9/2015.

Giải thích về nguyên nhân chậm khởi công tuyến đường ống số 2, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Viwasupco cho biết: “Chậm là do không xin được cơ chế đặc thù và phải làm đúng theo trình tự đầu tư của Nhà nước. Trong tháng 6, đơn vị hoàn thành thiết kế kỹ thuật và trình Bộ Xây dựng thẩm định. Sau đó, mới phát hành hồ sơ mời thầu và dự kiến tháng 8 hoặc tháng 9 mới khởi công dự án. Chất liệu của đường ống số 2 là gang dẻo, phải mất 4 tháng nhập đường ống từ nước ngoài, nên có thể thời gian thi công sẽ lâu hơn 6 tháng. Dự kiến đến mùa hè năm 2016, đường ống số 2 mới đưa vào hoạt động.

Đức Chung