09:15 29/09/2011

Đường Hồ Chí Minh trên biển - Con đường huyền thoại

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời, những ký ức về tháng năm gian khổ, ác liệt, đấu trí, đấu lực, sinh tử với quân thù của những cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” trong mỗi con tàu, mỗi chuyến đi... không thể nào phai nhạt...

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời, những ký ức về tháng năm gian khổ, ác liệt, đấu trí, đấu lực, sinh tử với quân thù của những cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” trong mỗi con tàu, mỗi chuyến đi... không thể nào phai nhạt. Cùng với độ lùi của thời gian, chúng ta nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về sứ mệnh lịch sử và tầm vóc lớn lao của tuyến vận tải quân sự chiến lược đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và hơn hết là nhận thức về vận tải quân sự đường biển trong chiến lược biển, đảo hôm nay và mai sau của đất nước.

Quyết định lịch sử

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đất nước ta bị tạm chia làm hai miền, miền Bắc đi lên CNXH, miền Nam nằm dưới sự kiểm soát của kẻ thù. Nhận rõ yêu cầu cấp bách kịp thời chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam chống Mỹ - ngụy, ngày 15/5/1959, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 559, có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và ngược lại.

Tàu vận chuyển vũ khí của đoàn 125 (cải trang tàu nước ngoài) trên đường chở vũ khí vào chiến trường miền Nam. Ảnh: TTXVN

Tiếp đó, tháng 7/1959, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập tiểu đoàn vận tải thủy 603. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngày 27/1/1961, tiểu đoàn 603 được lệnh tổ chức vận chuyển 5 tấn vũ khí, thuốc men vào chiến trường Khu 5. Chuyến vượt biển đầu tiên bằng thuyền buồm của tiểu đoàn 603 không thành công nên tạm ngừng hoạt động trên biển để tìm giải pháp và phương thức vận chuyển phù hợp. Sau một quá trình nghiên cứu, thể nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759, đánh dấu sự ra đời của tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam trên biển. Từ đây, các địa phương ven biển miền Nam, chiến trường Nam bộ và cực Nam Trung bộ (B2) đã nhận được sự chi viện trực tiếp của miền Bắc, tạo nên sức mạnh và niềm tin to lớn cho các lực lượng vũ trang trên chiến trường miền Nam.

Thông qua hoạt động chiến đấu, lực lượng vận tải biển nói riêng, Quân chủng Hải quân nói chung đã có bước trưởng thành vượt bậc. Từ những chiếc tàu gỗ đánh cá thô sơ trong những ngày đầu thành lập, đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta đã có những đội tàu tương đối hiện đại, trọng tải lớn, được trang bị các loại vũ khí, khí tài tiên tiến, không chỉ đủ sức đảm đương nhiệm vụ vận tải mà còn trực tiếp chiến đấu với kẻ thù. Tinh thần và bản lĩnh cách mạng, trình độ chỉ huy và khả năng chiến đấu của nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân qua đó cũng được tôi luyện, thử thách và trở thành những cán bộ nòng cốt của lực lượng Hải quân trong sự nghiệp đấu trang giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc trước đây, cũng như trong sự nghiệp và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Một chiến trường thử thách khắc nghiệt

Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù phải hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, địch tổ chức đánh phá, ngăn chặn khốc liệt; trang thiết bị, kinh nghiệm và hiểu biết của ta về vận tải biển chưa nhiều, nhưng với phương châm hoạt động bí mật bất ngờ, thần tốc, táo bạo, sử dụng linh hoạt nhiều tàu thuyền, nhiều cung, nhiều tuyến vận tải khác nhau, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 603, 759 và Lữ đoàn 125 đã cùng với nhân dân các tỉnh duyên hải nơi có tuyến đường đi qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược trên biển. Đã đưa 152.876 tấn vũ khí trang thiết bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh từ miền Bắc vào miền Nam; chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến của Mỹ và ngụy quân Sài Gòn. Cùng với nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng, đưa đón 80.026 lượt cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội vào miền Nam và ngược lại, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Ngoài ra, Đoàn 125 còn vận chuyển nhiều loại vũ khí, trang bị đặc biệt, có tầm quan trọng sống còn đối với cuộc kháng chiến của ta. Chiến công và thành tích của lực lượng làm nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược trên biển – Đường Hồ Chí Minh trên biển - đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong những năm đánh Mỹ, Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự là một chiến trường ác liệt. Những chiến sĩ trên những con “tàu không số” phải thường xuyên đối mặt không chỉ với dông bão, sóng dữ của biển cả, mà còn phải đối phó với những âm mưu, hành động ngăn chặn, đánh phá ác liệt của quân thù; mưu trí dũng cảm trong từng cử chỉ, hành động để tìm cách đưa những con tàu đến đích. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với mọi khó khăn, thử thách; ra đi là xác định cảm tử với con tàu và chuyến hàng.

Tàu của Lữ đoàn 125 hoạt động trên thềm lục địa Tổ quốc.
Ảnh: Tư liệu Hải quân


Theo Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân: Để duy trì sự tồn tại của con đường, cán bộ chiến sỹ đã phải vượt qua hàng chục cơn bão lớn, hàng trăm cuộc vây ráp của quân thù, đã phá trên 400 quả thủy lôi, chiến đấu 300 lần với tàu địch, đánh trả trên 1.200 lần máy bay tập kích. Những lúc bị địch bao vây bốn phía, cả con tàu là một khối đoàn kết, trong đó có thuyền trưởng và chính trị viên tàu là trụ cột mẫu mực nhất. Khi thấy không thể thoát khỏi sự truy lùng của địch, để giữ bí mật cho tuyến đường, họ đã biến con tàu thành một khối thuốc nổ khổng lồ lao vào tàu địch. Sự trung thành với cách mạng, sự hy sinh vô cùng anh dũng của cán bộ, chiến sĩ hải quân trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho chiến trường, mỗi khi nhắc tới họ, chúng ta không thể không nhớ những tấm gương sáng ngời như Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu, Hồ Đức Thắng, Đặng Văn Thanh, Bông Văn Dĩa và biết bao người con ưu tú đã anh dũng hy sinh cùng con tàu mãi mãi nằm lại với biển khơi.

Còn biết bao lòng quả cảm, đức hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” mà chúng tôi được gặp tại Hải Phòng ngày 22/9 vừa qua như Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, năm nay 75 tuổi; Trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41, nguyên Phó Tham mưu trưởng vùng 3 Hải quân, năm nay đã 78 tuổi… thì “mỗi chuyến đi là một câu chuyện thần kỳ”. Họ là những nhân chứng lịch sử đã từng trực tiếp tham gia trên những con “tàu không số” năm nào.

Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu của con đường huyền thoại vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay.

Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng:
 “Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thành công kiệt xuất, thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, của toàn quân và toàn dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây là tuyến vận tải chiến lược, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, đồng thời cũng là một chiến trường ác liệt, thể hiện quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của lực lượng Hải quân, của quân và dân các tỉnh nơi tuyến đường đi qua; đây là sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới nghệ thuật quân sự đặc sắc của Việt Nam”.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962:
“Không có gì vinh quang hơn, vẻ vang hơn được làm người lính của con đường huyền thoại, và lòng ta sẽ thanh thản biết bao nhiêu khi nghĩ rằng những huyền thoại đó đều mang dấu ấn của đồng đội và nhân dân”.



Trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền Trưởng tàu 41, nguyên Phó Tham mưu trưởng vùng 3 Hải quân:

“Khi đã bước chân lên những chuyến tàu này, người thủy thủ đã xác định và sẵn sàng đón nhận sự hy sinh: Một là, nếu không hy sinh do bão tố thì cũng sẽ hy sinh do chạm trán với tàu địch nên cán bộ, chiến sĩ “tàu không số” sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy vì nhiệm vụ cao cả. “Đoàn tàu không số” không phải tàu chúng tôi không có số, mà rất nhiều số, nhiều cờ, mang nhiều quốc tịch nữa là khác. Để ngụy trang đánh lừa địch, khi đến vùng biển này chúng tôi mang số này, đến vùng biển khác tôi mang số khác. Khi gặp tàu chở dầu đi, chúng tôi cải trang thành tàu chở dầu. Khi vào vùng biển có tàu đánh cá, chúng tôi cải trang thành tàu đánh cá… Tất cả những hành động đó đều có một mục đích là làm thế nào để tránh và qua mặt được địch, vào tới bến bốc dỡ hàng an toàn là đã lập được chiến công”.



Viết Tôn