04:09 30/04/2019

Đường dây 500kV mạch 3 – Bài 2: Điều kiện thi công khó khăn

Đường dây 500kV mạch 3 đi qua địa bàn 9 tỉnh/thành phố nên thường xuyên phải đối mặt với các khó khăn, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng như phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc phê duyệt các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, trong bố trí nhân lực, thời gian để thực hiện kê kiểm...

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, quá trình triển khai Đường dây 500kV mạch 3 nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT); đặc biệt là sự ủng hộ và giúp đỡ của UBND, các sở, ban ngành có liên quan, chính quyền địa phương các cấp có đường dây đi qua thuộc các tỉnh, thành: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai đã giúp CPMB giải quyết kịp thời các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành dự án. 

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 thi công dựng cột trên địa bàn huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Bên cạnh đó là đội ngũ các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu xây lắp, nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị có năng lực và kinh nghiệm. Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc  Công ty Truyền tải điện 2 cho biết tại đường dây 500kV mạch 3, Công ty sẽ quản lý vận hành gần 90% khối lượng đường dây nên để thực hiện tốt chức năng tư vấn giám sát đảm bảo chất lượng, Công ty đã đào tạo đội ngũ tư vấn giám sát bài bản và nghiêm túc, với mục tiêu chất lượng phải là hàng đầu khi công trình đi vào vận hành.

Mặc dù vậy, công trình có quy mô lớn với tổng chiều dài trên 742 km đường dây, tổng số 1.608 vị trí móng trụ, thi công trong điều kiện địa hình khó khăn, thời tiết khắc nghiệt ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Bên cạnh đó, thời gian cắt điện để thi công các đoạn tuyến giao chéo với đường dây 500kV mạch 1, mạch 2, các đường dây 220/110kV, các đường dây trung/hạ thế tương đối dài mà vẫn đảm bảo cung cấp điện. Một số gói thầu vật tư thiết bị có quy mô lớn nên thời gian đánh giá, xét chọn thầu và thực hiện hợp đồng sẽ phải kéo dài.

Dự án đi qua địa bàn 9 tỉnh/thành phố nên thường xuyên phải đối mặt với các khó khăn, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng như phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc phê duyệt các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, trong bố trí nhân lực, thời gian để thực hiện kê kiểm, lập/duyệt phương án bồi thường và đặc biệt là thuyết phục người dân chấp hành chính sách pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng.

Chưa kể dự án đi qua nhiều địa phương nên các chính sách bồi thương giải phóng mặt bằng của địa phương cũng khác nhau. Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, đơn giá bồi thường được các tỉnh phê duyệt chưa thực sự bám sát thị trường. Mức hỗ trợ đất trồng cây lâu năm cũng chưa phù hợp với thực tế. Thủ tục lập phê duyệt đơn giá đất cũng mất nhiều thời gian (khoảng 3 tháng) và các thủ tục liên quan đến chuyển đổi đất rừng...

Cụ thể, tuyến đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi có chiều dài khoảng 500,14 km thì đoạn tuyến qua đất rừng dài 284 km, với diện tích khoảng 908 ha, gồm khoảng 516 vị trí. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang triển khai các thủ tục với địa phương để khảo sát đánh giá hiện trạng rừng. Đường dây này cũng gặp vướng mắc chưa bàn giao mặt bằng móng (phần đất vĩnh viễn) nên đơn vị thi công phải vận động dân trước để triển khai thực hiện.

Thậm chí một số đoạn tuyến phải hiệu chỉnh như đoạn qua mỏ quặng Laterite tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo thông báo của Công ty CP xi măng Đồng Lâm tại VB số 325/2019/CV/ĐLHM/0200 ngày 29/3/2019 có một phần diện tích móng vị trí 516 và hành lang tuyến từ vị trí 516-517 Đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi nằm trong thửa đất hộ gia đình ông Văn Đức Mẫn sử dụng chồng lấn lên phạm vi giải phóng mặt bằng dự án mỏ quặng Laterite Phong Mỹ. CPMB và Viện Năng lượng đang hoàn thiện hồ sơ và liên hệ để họp với các Sở ban ngành và đơn vị liên quan.

Hay tại xã Hương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, để tránh ảnh hưởng đến miếu Am Bà theo yêu cầu của nhân dân thôn Phường Hộ, xã Hương Hoà, đồng thời tránh ảnh hưởng một số nhà dân trong phạm vi hành lang an toàn của đường dây, toàn bộ nội dung thiết kế kỹ thuật, dự toán hiệu chỉnh, bổ sung nêu trên do Viện Năng lượng lập tháng 2/2019 đã gửi để Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) thẩm tra và trình EVNNPT. EVNNPT đã có văn bản trình Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để xem xét thống nhất hiệu chỉnh.

Tại vị trí lô 9.12 ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, Tp. Đà Nẵng vướng đi qua khu dân cư và đất ở, nằm trong giới hạn an toàn giao thông đường bộ đường liên xã Hòa Ninh - Hòa Phú, toàn bộ nội dung thiết kế kỹ thuật, dự toán hiệu chỉnh, bổ sung do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4 (PECC4) lập tháng 2/2019 đã gửi để Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) thẩm tra và trình EVNNPT. EVNNPT đang chờ UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt tỷ lệ 1/500 để trình Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo  xem xét thống nhất hiệu chỉnh.

Tại vị trí G115-G117 thuộc xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cũng vướng hành lang tuyến đi qua khu đất ở, vào vùng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã. Do đó, toàn bộ nội dung thiết kế kỹ thuật, dự toán hiệu chỉnh, bổ sung nêu trên do Công ty CP tư vấn xây dựng điện 4 lập tháng 2/2019 đã được gửi để Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 thẩm tra và trình EVNNPT. EVNNPT đang chờ UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất hướng tuyến để trình Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo  xem xét thống nhất hiệu chỉnh.

Như vậy, theo CPMB, đến thời điểm cuối tháng  4 này, việc đo đạc giải thửa cơ bản đã hoàn thành, trừ 8 vị trí qua khu giáo dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh đang tiếp tục vận động; 71 vị trí qua Tp. Đà Nẵng đang trình thành phố thông qua Quy hoạch bản đồ tỷ lệ 1/500; 35 vị trí chỉnh tuyến tại Hiệp Đức, Quảng Nam đã đo xong, chờ thỏa thuận chính thức ban hành.

Toàn tuyến đất rừng có chiều dài khoảng 360 km, với diện tích khoảng 1.152 ha và 668 vị trí móng, mặc dù đại bộ phận đã được đo đạc giải thửa, tuy nhiên cần phải hoàn thiện thủ tục thiết kế rừng được phê duyệt mới triển khai kê kiểm.

Bên cạnh đó, 1.202 vị trí được kê kiểm, lập phương án bồi thường, cuối tháng 2/2019, các địa phương mới bắt đầu triển khai kê và lập phương án bồi thường. Các địa phương còn hỗ trợ Nhà thầu, CPMB để thỏa thuận với các hộ dân bàn giao mặt bằng trước khi hoàn thành các thủ tục phê duyệt theo quy định.

Đối với các vị trí đi qua rừng, chủ yếu là rừng trồng, rừng sản xuất của các tổ chức và người dân là chính, ít có rừng phòng hộ nên các tỉnh đều thống nhất trồng rừng thay thế, nên CPMB sẽ xem xét một số trường hợp thuận lợi để triển khai trước theo trình tự Ban ký hợp đồng thiết kế để xác định từng loại rừng với các nhà thầu, sau đó dự kiến trong tháng 5 tới sẽ trình UBND các tỉnh phê duyệt.

EVN, EVNNPT và CPMB cũng tổ chức họp để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng tại 8/9 tỉnh, thành phố là Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum,Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Nam. Riêng Tp. Đà Nẵng đã trình và được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua bản đồ quy hoạch 1/500. CPMB đang đôn đốc UBND thành phố thông qua trong tháng 4 để tiến hành công khai kê kiểm.

”Với bề dày kinh nghiệm trong quản lý dự án các đường dây 500kV, CPMB sẽ quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, lập tiến độ chi tiết các hạng mục công việc, bám sát công trường để đôn đốc giám sát, kịp thời giải quyết những vướng mắc đẩy nhanh tiến độ cũng như đảm bảo chất lượng của dự án”, Giám đốc Nguyễn Đức Tuyển khẳng định.

Bài 3: Giải pháp kiểm soát tiến độ về đích sớm

Mai Phương (TTXVN)