04:12 21/04/2021

Đường BOT Hòa Lạc-Hòa Bình bị lấn chiếm hành lang nghiêm trọng

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, tỉnh Hòa Bình, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình liên quan việc xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông trên tuyến đường BOT Hòa Lạc - Hòa Bình.

Chú thích ảnh
Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Km 17+100, đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Ảnh minh họa: Thanh Hải/TTXVN

Bộ Giao thông Vận tải cho hay, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình dài 26 km đang khai thác với quy mô đường cấp III đồng bằng sẽ được quy hoạch là đường cao tốc với quy mô từ 4-6 làn xe. Hiện nay, trên tuyến xuất hiện tình trạng các tổ chức, cá nhân tự ý san lấp mặt bằng, phá hoại công trình, xây dựng công trình trên phần đất của đường bộ, mở rào và đấu nối trái phép, lấn chiếm đất hành lang an toàn đường bộ ảnh hưởng đến an toàn giao thông và quy hoạch phát triển xây dựng đường cao tốc trong tương lai.

Để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND Tp. Hà Nội, tỉnh Hòa Bình kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp đấu nối trái phép gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng trên tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình.

"Trong giai đoạn khai thác tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, đối với các trường hợp cần đấu nối vào tuyến, đề nghị UBND Tp. Hà Nội, tỉnh Hòa Bình chỉ đạo xây dựng hệ thống đường gom để đấu nối vào tuyến tại các điểm đấu nối theo quy hoạch; lưu ý đường gom cần nằm ngoài hành lang tuyến cao tốc trong tương lai", Bộ Giao thông Vận tải đề nghị.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ sẽ không thỏa thuận việc đấu nối trực tiếp cũng như đấu nối tạm vào tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình. Việc thỏa thuận đấu nối sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục đường bộ Việt Nam với vai trò của cơ quan nhà nước theo quy định tại Thông tư số 50/2018/TT-BGTVT về tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư cần chủ động làm việc với địa phương để xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Về các trường hợp cụ thể đấu nối trái phép vào tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, đóng ngay 6 điểm đấu nối trái phép và 3 điểm đấu nối tạm tránh nguy cơ mất an toàn giao thông, đồng thời có chế tài xử lý để ngăn chặn hoạt động trở lại của các điểm đấu nối trái phép này.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, hiện có 34 trường hợp vi phạm; trong đó đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội có 3 trường hợp, đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình có 31 trường hợp.

Chú thích ảnh
Tuyến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN

Để xử lý dứt điểm các trường hợp này, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND Tp. Hà Nội và tỉnh Hòa Bình thành lập tổ kiểm tra tiến hành kiểm tra cưỡng chế, kiên quyết tháo dỡ các công trình vi phạm đất đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ; xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định như đào phá ta luy dương, phá rãnh đỉnh bê tông, san lấp mặt bằng, xây dựng nhà ở... theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

"UBND Tp. Hà Nội và tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ, đặc biệt là việc giao đất, cấp giấy phép xây dựng dọc theo đường bộ theo quy định", Bộ Giao thông Vận tải đề nghị.

Với các vị trí xảy ra trộm cắp hộ lan và 1 vị trí người dân tự ý tháo dỡ tôn hộ lan để mở lối đi lại, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiến hành điều tra và có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, tránh tái diễn. Đồng thời xử lý nghiêm theo quy định những hành vi phá hoại, trộm cắp tài sản gây mất an toàn giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ I, Thanh tra đường bộ, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình, Công ty TNHH BOT Quốc lộ Hòa Lạc - Hòa Bình thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi lấn, chiếm và sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, giải tỏa công trình lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ thuộc phạm vi đơn vị trực tiếp quản lý.

Quang Toàn (TTXVN)