06:18 14/06/2017

Đường bộ cao tốc Bắc - Nam: Đột phá về kết cấu hạ tầng

Đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam với vai trò là trục xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia sẽ tạo sự đột phá về kết cấu hạ tầng đường bộ, với sức lan tỏa đến không chỉ 20 tỉnh, thành phố dự án đi qua.

Xung quanh công tác chuẩn bị cho dự án này, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI).

Ông có thể cho biết ý nghĩa của dự án đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam?

Hành lang vận tải Bắc - Nam từ Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước; kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố.

Đồng thời, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% cảng biển loại I-II và 67% khu kinh tế của cả nước. Đặc biệt, là kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Với mức độ như vậy, có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính lan tỏa nhất nên cần thiết phải ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông để tạo động lực phát triển kinh tế.

Theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước, dự báo đến năm 2020, nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực thông hành của các phương tiện vận tải hiện tại khoảng 5,29 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong khi, đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai ngay trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Việc đầu tư ngay tuyến đường bộ cao tốc để đáp ứng nhu cầu vận tải là không thể trì hoãn.

Mặt khác, những năm qua, năng lực hệ thống đường bộ ngày càng được cải thiện, nhất là việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đã phát huy hiệu quả đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, quốc lộ 1 có những hạn chế; trong đó, chủ yếu là tốc độ lưu thông chưa cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông do tuyến đường này chủ yếu đi qua khu vực đông dân cư. Bên cạnh đó, thành phần giao thông hỗ hợp, tỷ lệ xe máy cao, các giao cắt chủ yếu là giao cắt đồng mức nên đã làm hạn chế tốc độ lưu thông, tốc độ khai thác trung bình chỉ đạt khoảng 40-60 km/h.

Với đặc điểm trên việc đầu tư mở rộng quốc lộ 1 chỉ đáp ứng được nhu cầu vận tải đến năm 2020. Do đó, việc đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam là cần thiết nhằm đáp ứng các tiêu chí năng lực vận tải lớn, tốc độ cao, an toàn, tạo nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Có một số ý kiến cho rằng, suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam đang được đề xuất là cao, vậy ý kiến của ông về vấn đề nay như thế nào?

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua 16 tỉnh, thành phố với chiều dài 1.372 km. Qua tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư toàn bộ dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng 312.435 tỷ đồng. Bao gồm: giai đoạn 1 (2017 - 2025) khoảng 243.312 tỷ đồng; trong đó, ưu tiên 1 (2017 - 2020) khoảng 130.216 tỷ đồng, ưu tiên 2 (2021 - 2025) khoảng 113.096 tỷ đồng; giai đoạn 2 (sau năm 2025) khoảng 69.123 tỷ đồng.

Có thể nói, tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Bắc - Nam được lập trên cơ sở các nghiên cứu của các dự án thành phần. Trong đó, các dự án đã được nghiên cứu báo cáo nghiên cứu khả thi với chiều dài 1.001km (chiếm 72,9%). Phần lớn dự án đã được nghiên cứu chi tiết, việc lập tổng mức đầu tư đã bám sát vào định mức của Bộ Xây dựng và các quy định hiện hành.

Theo quy định của Bộ Xây dựng, suất vốn đầu tư của đường cao tốc 4 làn xe khoảng hơn 131 tỷ đồng/km, 6 làn xe khoảng 200 tỷ đồng/km (chưa bao gồm các chi phí cầu, hầm trên tuyến, chi phí thiết bị, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xử lý nền đất yếu và lãi vay).

Đối với cao tốc Bắc - Nam, tổng mức đầu tư dự án khoảng 312.435 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay) cho 1.372km đường cao tốc quy mô theo quy hoạch; trong đó, 739km đường cao tốc quy mô 4 làn và 633km đường cao tốc quy mô 6 làn.

Suất đầu tư bình quân cho đường cao tốc 4-6 làn xe đã trừ phần lãi vay theo hình thức hợp đồng BOT là 215 tỷ đồng/km. Với suất đầu tư trên có xu hướng thấp hơn suất đầu tư của các nước trong khu vực. Cụ thể, Trung Quốc (cao tốc 4 làn xe: 7,8-13,9 triệu USD/km; 6 làn xe: 10,5-12,3 triệu USD/km), Hàn Quốc (cao tốc 4 làn xe: 24,3 triệu USD/km), Austria (cao tốc 6 làn xe: 16,7 triệu USD/km)…

Như vậy, so với quy định của Bộ Xây dựng, sau khi trừ chi phí cầu, hầm trên tuyến, chi phí thiết bị, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xử lý nền đất yếu và lãi vay, suất đầu tư của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam khoảng 102 tỷ đồng/km (4 làn xe) và 134 tỷ đồng/km (6 làn xe).

Vì vậy, có thể nói suất đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam là phù hợp, có xu hướng thấp hơn so với suất đầu tư đường cao tốc của Bộ Xây dựng công bố và suất đầu tư của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Với siêu dự án này, nhiều người lo ngại công tác giải phóng mặt bằng sẽ gặp khó khăn, vậy vấn đề này đã được tính toán như thế nào?

Chính phủ trước đó có chủ trương tiến hành giải phóng mặt bằng toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam ngay từ đầu. Tuy nhiên, căn cứ vào nguồn kinh phí, tính hiệu quả của việc giải phóng mặt bằng, Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ lưỡng và lựa chọn phương án chỉ giải phóng mặt bằng trong phạm vi thực hiện đầu tư.

Đối với những đoạn tuyến chưa thực hiện đầu tư sẽ chưa giải phóng mặt bằng để tránh lãng phí đất đai, Chính phủ đã xem xét và chỉ đạo giải phóng mặt bằng với quy mô 4-6 làn xe.

Đồng thời, thực hiện ngay việc cắm mốc lộ giới mỗi bên 17m giao cho địa phương, các cơ quan quản lý đường bộ quản lý nhằm hạn chế tối đa phát sinh khối lượng giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, phục vụ mở rộng trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch, mở rộng quy mô dự án 6-10 làn xe.

Giai đoạn năm 2017-2020, Bộ Giao thông Vận tải tiến hành đầu tư xây dựng trước 713km cao tốc theo quy mô phân kỳ 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 130.216 tỷ đồng. Theo đó, chiều dài các đoạn cao tốc được xây dựng mới khoảng 632km gồm: Mai Sơn - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Dầu Giây và mở rộng khoảng 81km từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và La Sơn - Túy Loan.

Về khối lượng giải phóng mặt bằng trong phạm vi đầu tư của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn đầu tư phân kỳ 2017-2020 khoảng 3.523ha với hơn 8.000 hộ dân bị ảnh hưởng và số hộ tái định cư khoảng 2.100 hộ. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các đoạn tuyến của dự án được ưu tiên đầu tư xây dựng từ 2017 - 2020 khoảng 13.028 tỷ đồng.

Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án đã được tư vấn tính toán rất kỹ lưỡng nhằm hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến người dân. Đồng thời, xem xét tối giản để tránh các khu dân cư làm đảo lộn sinh hoạt của bà con. Việc thực hiện phương án này sẽ không phải giải phóng mặt bằng nhiều lần, vừa đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình khai thác, vừa đáp ứng khả năng mở rộng quy mô dự án lên 6-10 làn xe trong tương lai.

Việc cao tốc Bắc – Nam chưa được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV liệu có ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng cao tốc Bắc – Nam hay không, thưa ông?

Việc dự án chưa được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV chắc chắn có ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị của dự án.

Về nguyên tắc, theo Luật Đầu tư công, Quốc hội mà chậm thông qua thì tất cả các công tác từ công tác chuẩn bị, công tác triển khai sẽ bị chậm đi một nhịp.

Về vấn đề nay, TEDI sẽ có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xin triển khai sớm một số công việc, đặc biệt các công việc liên quan đến công tác chuẩn bị cho dự án phải được triển khai sớm.

Cụ thể, TEDI đang đề xuất những đoạn chưa lập dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi), chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho chủ động triển khai ngay. Đúng ra thì phải có kinh phí thì mới thực hiện vấn đề này, nhưng chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để triển khai sớm.

Bên cạnh đó, nếu Bộ Giao thông Vận tải đi trước một bước đó là cho phép thực hiện ngay công tác thiết kế kỹ thuật thì sẽ giảm được thời gian để tập trung vào công tác thi công dự án ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Xin cảm ơn ông!

Quang Toàn/TTXVN (thực hiện)