02:20 18/02/2018

Đường biên giới lòng dân trong ‘Cột mốc trong người’

Khi mỗi người dân Việt Nam đều mang trong mình tình yêu đất nước, có ý thức bảo vệ Tổ quốc, thì mỗi người sẽ là một cột mốc sống, đó chính là đường biên giới trong lòng dân – đường biên giới vô hình nhưng lại vô cùng bền chắc, không gì xâm phạm được. Đó cũng là điều mà nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng, tác giả tập thơ "Cột mốc trong người" muốn gửi đến người đọc trong những ngày đầu xuân 2018 này.

Tuyển tập thơ "Cột mốc trong người".

“Cột mốc trong người” - tập thơ mới xuất bản của nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng, viết về đề tài người lính, về tình yêu Tổ quốc, chủ quyền biển đảo và đường biên giới quốc gia... Tập thơ gồm 40 bài, chia thành bốn phần: “Ru vầng mây đỏ”, “Vòng cung đảo”, “Thế trận” và “Sao ngày thường”. Trong số đó, có khá nhiều bài thơ viết về biển đảo, nhà giàn. Có thể kể đến “Tiếng chuông ngoài đảo”, “Thư Phan Vinh”, “Mắt sóng Trường Sa”, “Đảo có linh hồn”, “Hướng đảo”, “Gió nhà giàn”, “Góc đảo chìm”, “Vòng cung đảo”… Bên cạnh những bài thơ về biển đảo, trong “Cột mốc trong người”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng còn có nhiều bài thơ viết về những người lính đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, viết về các chiến sỹ biên phòng, viết về những người lính trong cuộc sống đời thường thời bình… 


Những bài thơ trong tuyển tập thơ “Cột mốc trong người” giúp người đọc hiểu và chia sẻ thêm những gian khổ, mất mát, hy sinh của những người lính thời chiến tranh. Đồng thời, cũng giúp người đọc hiểu thêm phần nào tâm tư, nguyện vọng về cuộc sống của những người lính hôm nay… Dù ở thời nào, thì tình yêu Tổ quốc luôn được những người lính đặt lên hàng đầu. 


Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho biết, 40 tác phẩm trong tuyển tập thơ “Cột mốc trong người” được anh sáng tác trong khoảng 6-7 năm trở về đây. Những bài thơ này ra đời trong hoặc sau những chuyến công tác, những chuyến đi thực tế sáng tác tại quần đảo Trường Sa, tại một số đồn biên phòng như Đồn biên phòng Đồng Văn (Hà Giang), đồn biên phòng Đàm Thủy (Cao Bằng), đồn biên phòng xã Sơn Vỹ và Xín Cái thuộc huyện Mèo Vạc (Hà Giang)… và một số chuyến đi thực tế tại lữ đoàn đặc công ở Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) và tại một số đơn vị bảo tàng, hậu cần, không quân, hải quân, pháo binh ở Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An… Mỗi chuyến đi đều để lại trong anh những cảm xúc, ấn tượng khó quên. Và đó cũng là nguồn cảm hứng để anh sáng tác những bài thơ in trong tập thơ lần này. 

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng.

Nói về lý do cho ra đời tuyển tập thơ lần này, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng cho biết, trong một thời gian dài, công việc làm văn, làm báo đã đưa anh đến với những người lính. Dù chưa nhiều, và không thể thường xuyên, liên tục, nhưng những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ ấy giống như sự gợi mở để anh suy nghĩ nhiều hơn về người chiến sĩ hôm qua, hôm nay và những chiến công, những công việc thầm lặng của họ. Và quan trọng là nó thôi thúc trong anh ý muốn sáng tác về người lính, về đất nước, về chủ quyền, về cả suy nghĩ, tư thế của những người dân trong cuộc sống hôm nay trước vấn đề chung, trách nhiệm chung là bảo vệ đất nước. 


“Viết về người lính thật không dễ. Tôi không phải là người trải qua thực tế của chiến tranh, vì thế, tôi luôn phải tranh thủ những cơ hội, điều kiện mình có được để cảm nhận, suy ngẫm và viết. Thuộc lớp người sáng tác hôm nay, nên tôi quan tâm nhiều hơn đến hình ảnh người lính trong cuộc sống hiện tại, và tôi cố gắng nói bằng những suy nghĩ giản dị, bắt nguồn từ những sự việc, chi tiết, ấn tượng qua mỗi chuyến đi của mình”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng chia sẻ. 


Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho biết, cái tên “Cột mốc trong người” được anh lấy từ hai câu cuối trong bài thơ “Nhận tin bão xa”: “Đường chủ quyền đâu chỉ dọc biên giới/Mỗi chúng ta mang cột mốc trong người”, bởi anh cho rằng, không chỉ với những người lính, mà với mọi người dân trên đất Việt, mỗi người đều có thể là những cột mốc sống. Và không chỉ những người sống ở vùng biên giới, mà cả những người sống ở đô thị, ở vùng trung du, ở ven biển… cũng đều có thể là những cột mốc sống, nếu trong mỗi người chúng ta đều có tình yêu đất nước, có ý thức bảo vệ Tổ quốc. 


Và, khi trong mỗi người dân đất Việt đều có tình yêu Tổ quốc, đều có ý thức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thì đường biên giới sẽ không chỉ là con đường chạy dọc theo lãnh thổ biên giới quốc gia, mà đường biên giới ấy nằm ngay nơi ta sống, nơi ta làm việc... đó là đường biên giới trong lòng dân – đường biên giới vô hình nhưng lại vô cùng bền chắc, và không có một kẻ thù nào, không một thế lực nào có thể công phá được.


Phương Lan/Báo Tin Tức