11:06 13/11/2018

Đừng ‘tước vũ khí’ của các bác sĩ

Thuốc kháng sinh là một trong những “vũ khí” hiệu nghiệm của các bác sĩ. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn tới nhờn thuốc đang dần tước đi vũ khí của các “chiến sĩ áo trắng”.

Theo tổ chức y tế thế giới, hàng năm trên thế giới, có trên dưới nửa triệu người tử vong bởi nhiễm khuẩn mà không điều trị được bằng thuốc kháng sinh.

Tại Việt Nam, tình trạng kháng kháng sinh cũng đến hồi trầm trọng. Tổ chức Y tế thế giới đã liệt nước ta vào danh sách quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất toàn cầu.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân nhiễm dịch tả điều trị tại bệnh viện ở Harare (Zimbabwe), nơi một số dòng kháng sinh đã bị phát hiện không còn hiệu nghiệm. Ảnh: THX/TTXVN

Có tình trạng này là do việc sử dụng kháng sinh tràn lan, tuỳ tiện tới mức lạm dụng, đến từ nhiều phía. Trước hết, đó là khi các bác sĩ “phóng tay” kê những đơn thuốc kháng sinh liều cao, không cần thiết hoặc không cân nhắc tới tiền sử sử dụng kháng sinh trong những lần điều trị trước của bệnh nhân. Thống kê cho thấy có tới 76% bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp, dẫn tới 33% số người bệnh bị kháng thuốc.

Sự lạm dụng thuốc cũng xuất phát từ phía những người bệnh, khi cố tình nài xin kê đơn thuốc có kháng sinh để “mau khỏi”, mặc dù căn bệnh không cần sử dụng tới. Người bệnh cũng tự ý ngưng dùng thuốc khi chưa hết liều, hoặc tự mua thêm thuốc dùng kéo dài. Thậm chí, việc sử dụng đơn kháng sinh của lần bệnh trước cho lần bệnh sau, hay sử dụng đơn của người này cho người khác là không hiếm gặp. Sự lạm dụng cũng còn được “tiếp tay” bởi sự dễ dàng tìm mua các liều kháng sinh từ các nhà thuốc sẵn sàng bán thuốc không cần đơn.

Sử dụng thuốc kháng sinh vô tội vạ trong thời gian dài có thể dẫn tới nguy cơ của một số căn bệnh nguy hiểm. Hơn thế nữa, khi các vi sinh vật trong cơ thể như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng bị “nhờn thuốc”, thì các loại thuốc này không còn hiệu quả trong điều trị bệnh. Trong công cuộc chiến đấu với bệnh tật để cứu lấy bệnh nhân, số “vũ khí” trong tay các bác sĩ ít dần đi, bởi trong lúc đa số các quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3,4. Người dân vô tư sử dụng thuốc, mà không biết nỗi lo canh cánh của ngành y, không biết sau các loại kháng sinh này, sẽ có gì thay thế để điều trị?

Chú thích ảnh
Một bệnh nhân đã phải nhập viện do tự ý dùng thuốc. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN.

Trước thực tế này, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc. Mục tiêu đề án phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% nhà thuốc bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc. Nước ta cũng là một trong 6 nước đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 - 2020 với sự tham gia của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Y tế cũng áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP).

Tuy nhiên, dù có áp dụng biện pháp nào, thì hiệu quả cuối cùng cũng chỉ có thể đạt được khi có sự đồng lòng của toàn xã hội. Một mình ngành Y không thể “chiến đấu” nổi với tình trạng sử dụng tràn lan kháng sinh, mà cần sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành. Đơn cử như ngành trồng trọt, chăn nuôi, bởi việc sử dụng tràn lan kháng sinh trong trồng trọt và chăn nuôi hiện nay chính là một cách đưa kháng sinh bị động vào cơ thể người và là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh. Cũng không thể chỉ sử dụng biện pháp quản lý hành chính để giám sát quá trình kê đơn của bác sĩ, hay hoạt động kinh doanh của nhà thuốc, nếu như chính bản thân mỗi bác sĩ, mỗi nhà thuốc không tự nhận thức được “mối nguy” đang cận kề đối với chính nghề nghiệp của mình.

Trong đời sống hiện nay có một câu khẩu hiệu đã khá quen thuộc: Hãy là người tiêu dùng thông thái. Hơn lúc nào hết, người bệnh – một trong những thành tố quan trọng của quá trình điều trị bệnh tật – cần phải thể hiện sự thông thái và tính trách nhiệm của mình hơn nữa khi sử dụng thuốc kháng sinh. Hãy cẩn thận khi sử dụng kháng sinh, không tự ý mua thuốc để sử dụng một cách bừa bãi, không theo y lệnh. Hãy tăng cường hiểu biết, mạnh dạn trao đổi, để cùng giám sát quá trình kê đơn của bác sĩ, tránh tình trạng kê đơn kháng sinh một cách lạm dụng. Bên cạnh đó, mỗi người bệnh nên tự xây dựng một nền tảng sức khoẻ tốt cho mình, bằng cách rèn luyện thể lực, duy trì thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, giữ gìn vệ sinh cho bản thân và môi trường xung quanh, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, bệnh tật.

Làm được như vậy, bản thân mỗi người bệnh vừa có thể bảo vệ sức khoẻ của bản thân, vừa góp phần giảm nguy cơ cho cả cộng đồng về tình trạng kháng kháng sinh – tình trạng đang khiến các thầy thuốc lo lắng bởi sắp hết các “vũ khí” chiến đấu với bệnh tật để cứu chính chúng ta.

 

Thuỳ Hương/Báo Tin tức