10:23 23/10/2011

Đừng “mất bò mới lo làm chuồng”

Những ngày gần đây, Hà Nội rúng động bởi hàng loạt vụ vỡ nợ liên tiếp xảy ra. Không khí ảm đạm từ vụ lừa đảo, vỡ nợ liên quan đến vợ chồng một chủ tiệm vàng tại thị trấn Phùng (Đan Phượng) đang bao trùm, thì một loạt vụ vỡ nợ mới ước tính thiệt hại vài trăm tỷ lại xảy ra...

Những ngày gần đây, Hà Nội rúng động bởi hàng loạt vụ vỡ nợ liên tiếp xảy ra. Không khí ảm đạm từ vụ lừa đảo, vỡ nợ liên quan đến vợ chồng một chủ tiệm vàng tại thị trấn Phùng (Đan Phượng) đang bao trùm, thì một loạt vụ vỡ nợ mới ước tính thiệt hại vài trăm tỷ lại xảy ra tại huyện Phú Xuyên, quận Hà Đông và quận Cầu Giấy…

Theo kết quả điều tra ban đầu, số tiền từ vụ vỡ nợ tại Hà Đông khoảng 150 tỷ đồng, tại Phú Xuyên khoảng 273 tỷ đồng, tại Đan Phượng khoảng 400 tỷ đồng, tại quận Cầu Giấy khoảng 600 tỷ đồng. Con số thiệt hại chắc chắn sẽ chưa dùng lại ở đây... Hậu quả là hàng trăm gia đình tán gia bại sản, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn…

Hoạt động "tín dụng đen" đã từng xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động này càng bùng phát mạnh hơn. Nó như một bệnh dịch lây lan rất nhanh, cứ nối tiếp nhau, chưa giải quyết xong hậu quả của vụ này, thì lại xảy ra vụ khác. Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo chẳng có gì mới: Phô trương sự giầu sang, đánh bóng tên tuổi thông qua việc tài trợ cho một số chương trình văn hóa, thể thao; xây dựng hệ thống chân rết để gom tiền; trả lãi suất “khủng”, thanh toán sòng phẳng trong thời gian đầu để lấy lòng tin…

Bởi quá tin tưởng vào mác bên ngoài của kẻ vay tiền mà nhiều người cứ nhắm mắt dốc hầu bao. Nạn nhân của các vụ lừa đảo, vỡ nợ thật đa dạng: Chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc, người kinh doanh bất động sản, người dân có tiền nhàn rỗi, có cả cán bộ, viên chức đứng ra vay ngân hàng sau đó cho vay lại để hưởng lãi suất chênh lệch… Điểm giống nhau ở họ là cả tin, hám lợi mà không tính đến rủi ro. Tâm lý của người cho vay tiền là không muốn cho người khác biết, nên ai nấy đều lặng lẽ; đến khi vụ việc vỡ lở thì “cả làng” cùng ngã ngửa. Thật đau lòng là trong số đó, không ít người là bạn bè, là người thân của những kẻ lừa đảo. Có cả người lao động đang phải vật lộn kiếm kế sinh nhai, đã tin tưởng mà gửi gắm số tiền dành dụm bằng mồ hôi và nước mắt cho kẻ lừa đảo.

Có thể lý giải nguyên nhân của các vụ vỡ nợ là do nền kinh tế hiện đang trong giai đoạn khó khăn, các ngân hàng chủ trương thắt chặt tín dụng, nên đối tượng có nhu cầu vay vốn đã hướng đến các kênh không chính thức. Bên cạnh đó, lợi dụng cuộc đua lãi suất ngầm giữa các ngân hàng, các đối tượng cũng tăng lãi suất để vay và cho vay, khiến cho các quỹ “tín dụng đen” làm mưa làm gió; trong khi cơ chế giám sát, quản lý hoạt động “tín dụng đen” vẫn bị bỏ ngỏ.

Bài học nhỡn tiền từ cơn lốc “tín dụng đen" là việc buông lỏng công tác nắm địa bàn, coi nhẹ công tác tuyên truyền pháp luật trong nhân dân, đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong một số vụ vỡ nợ, phần lớn con nợ đều lên kế hoạch lừa đảo, bùng nợ từ trước, mà những người cho vay cũng như các cấp chính quyền không hề hay biết. Điều đó cảnh báo tình trạng vỡ nợ tương tự có nguy cơ tiếp tục xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là ở vùng ven đô, vùng đang trong quá trình đô thị hóa, khi không ít gia đình có những khoản tiền lớn từ việc đền bù giải phóng mặt bằng, tiền bán đất…

Y.N