01:06 06/01/2015

Dừng hoạt động bến tàu Bạch Đằng

Số phận của hơn 10 doanh nghiệp đang hoạt động du lịch đường sông, vận tải hành khách tại bến công viên cảng du lịch Bạch Đằng chưa biết sẽ ra sao khi chỉ được phép hoạt động đến hết ngày 15/1/2015 - theo thông báo của Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh.

Số phận của hơn 10 doanh nghiệp đang hoạt động du lịch đường sông, vận tải hành khách tại bến công viên cảng du lịch Bạch Đằng chưa biết sẽ ra sao khi chỉ được phép hoạt động đến hết ngày 15/1/2015 - theo thông báo của Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh.

Các doanh nghiệp cho biết họ hết sức ngỡ ngàng khi đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh thông báo chủ trương của thành phố sẽ không tiếp tục cấp phép hoạt động cho bến công viên cảng du lịch Bạch Đằng kể từ ngày 1/1/2015, sau khi giấy phép cũ hết hạn vào ngày 31/12/2014. Tuy nhiên TP vẫn để các doanh nghiệp hoạt động tiếp tục đến ngày 15/1/2015.

Tàu du lịch có nguy cơ ngừng hoạt động do không gia hạn hoạt động bến công viên cảng du lịch Bạch Đằng.



Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH thuyền buồm Đông Dương cho biết: “Hơn 20 năm qua các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch đường sông tại TP Hồ Chí Minh đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền của mua sắm phương tiện để hình thành nên tuyến du lịch này. Mỗi năm, chúng tôi phục vụ hàng triệu lượt khách, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động. Thông tin dừng hoạt động quá bất ngờ. Chúng tôi rất hoang mang không biết sẽ đưa tàu đi đâu và giải quyết hợp đồng đã ký kết với các công ty lữ hành như thế nào”.

Hiện tại, bến công viên Bạch Đằng có 9 tàu du lịch nhà hàng cùng với khoảng 40 phương tiện khác hoạt động mỗi ngày. Trong đó, tàu cánh ngầm Vina Express sau khi chi hàng tỷ đồng để nâng cấp và trang bị bảo đảm an toàn, vừa mới được cấp phép hoạt động trở lại từ ngày 23/12/2014, nay đứng trước nguy cơ không có bến để hoạt động. “Thông tin dừng hoạt động được Sở GTVT đưa ra trong cuộc họp, chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức. Trong trường hợp UBND thành phố nhất thiết phải cho ngừng hoạt động ở bến công viên Bạch Đằng thì cũng cần có lộ trình, cần phải bố trí bến để cho các phương tiện tiếp tục kinh doanh” - ông Lâm nói.

Nhiều doanh nghiệp cho biết cũng đã từng nghe thông tin chỉnh trang, cải tạo lại bến công viên Bạch Đằng trước đây nhưng thời gian nào làm, làm như thế nào thì hoàn toàn không rõ. “Tàu du lịch nhà hàng là phương tiện đặc thù không phải muốn đậu ở đâu thì đậu. Tôi thấy rằng nếu ngưng gia hạn hoạt động để chỉnh trang lại thì cũng cần phải có quy hoạch và công khai để nhân dân cũng như các DN như chúng tôi đóng góp ý kiến. Việc thực hiện phải có lộ trình để doanh nghiệp có chuẩn bị, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ khó khăn cho DN” - một đại diện doanh nghiệp bức xúc nói.

Trong buổi làm việc giữa các doanh nghiệp nói trên với Sở GTVT và Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố vừa qua, các doanh nghiệp đã nêu những ý kiến, nguyện vọng nhằm tìm phương án giải quyết hiệu quả nhất. Đại diện tất cả các doanh nghiệp đều chấp hành chủ trương của UBND thành phố về chỉnh trang khu vực bến công viên Bạch Đằng. Tuy nhiên, các DN kiến nghị, trong trường hợp không thể sắp xếp, duy trì hoạt động của các tàu du lịch nhà hàng, vận tải hành khách tại bến, thì thành phố cần hỗ trợ, bố trí bến mới gần khu trung tâm.

Đại diện doanh nghiệp Tàu Bến Nghé đề nghị cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động tại khu vực bến công viên Bạch Đằng. Các doanh nghiệp cam kết sẽ đầu tư khang trang, sạch đẹp và hoạt động theo giờ cố định trong ngày từ 17 - 22 giờ. Sau ngày 28/2, cho phép di dời về phía thượng lưu (vị trí bến tàu Vườn Kiểng), các doanh nghiệp hoạt động tàu nhà hàng sẽ chủ động, tự bố trí, sắp xếp kinh doanh. Đại diện Tổng Công ty du lịch Sài Gòn cũng đề nghị các sở, ngành thành phố sớm quy hoạch tìm vị trí để thay thế bến tàu công viên Bạch Đằng, nhằm tiếp tục phát triển du lịch đường sông như sản phẩm đặc trưng của du lịch thành phố theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Ghi nhận những ý kiến này, Sở GTVT thành phố cho biết, qua những ý kiến của các doanh nghiệp, Sở sẽ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố để có chỉ đạo. Dù vậy, những DN đang hoạt động ở đây vẫn rất lo lắng vì đến nay cũng chưa biết “số phận” của họ sẽ được định đoạt như thế nào trong thời gian tới. 

Bài và ảnh: Anh Đức