07:19 09/07/2019

Đừng dung dưỡng thói háo danh

Chúng ta đã “khước từ” chế độ Phong kiến để hướng đến một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái… vậy cớ sao lại vẫn còn sính những danh xưng “ông hoàng, bà chúa”? Phải chăng đó chính là một sự suy thoái trong nhận thức, sự lệch lạc các giá trị văn hóa trong đời sống xã hội hiện nay?

Đừng vội “kết tội” những “nữ hoàng” từ nội y đến tâm linh, đừng vội phê phán những “ông hoàng” nhạc việt đến “giáo sư” âm nhạc… vì sự không “chính danh” của họ.

Bởi vì sự lố lăng ấy tuy quá rõ ràng nhưng đó cũng chỉ là một phần trong chuỗi những lệch lạc về các hệ giá trị. Không thể trách họ khi cả xã hội nơi đâu cũng chạy đua với những danh hiệu như học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, các em khi ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi ra trường vẫn được mong muốn, được định hướng để làm “thầy” để “ăn trên ngồi trước” mà không thực sự được giáo dục, động viên để hiểu, để trân trọng những giá trị chân chính của những người thợ, người lao động - những người trực tiếp tạo ra những sản phẩm, những giá trị cụ thể cho xã hội.

Cán bộ, quan chức nhiều nơi vẫn đang tìm cách thăng tiến bằng sự “phù phép” từ tuổi tác đến bằng cấp, quan hệ, gia thế… Nhiều địa phương vẫn còn thi đua báo cáo thành tích về số lượng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, xã văn hóa, huyện văn hóa… mà không thực sự trăn trở với tình hình kinh tế, xã hội vốn chẳng mấy cải thiện sau những danh hiệu được cấp ồ ạt, tệ nạn xã hội, cướp giật, ma túy ngày càng nhiều, ý thức xã hội, ý thức giao thông, ý thức bảo vệ môi trường… chẳng mấy tiến bộ.

Cả xã hội vẫn còn đua nhau “tung hô” với những cái nhất, từ nơi chùa chiền, thờ tự, vốn là nơi tu tập, buông bỏ, giản tiện cũng thi nhau xây tháp cao nhất, tượng to nhất, chuông lớn nhất, chùa rộng nhất… và nhiều cái nhất khác được tung hô để đánh đồng số lượng với giá trị.

Sự háo danh vẫn đang len lỏi vào trong giới trí thức, giới “tinh hoa” một cách vi tế. Cứ thẳng thắn nhìn lại trong số hàng nghìn giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ… được cấp bằng, được phong hàm mỗi đợt, xem có bao nhiêu người có đóng góp thực sự cho nền học thuật, có bao nhiêu người có năng lực tương xứng với những bằng cấp, học hàm, học vị và “oai danh” mà họ đang mang.

Nếu lấy thước đo về mặt học thuật, cụ thể như các công trình khoa học, bài báo khoa học được công bố cũng như những đóng góp đối với xã hội (về mặt khoa học) hoặc xem xét thứ hạng, vị trí của giáo dục đại học nước nhà so với với các nước trong khu vực để đánh giá về những đóng góp của giới trí thức đối với hệ thống giáo dục, sẽ thấy những danh hiệu, bằng cấp, học hàm học vị ấy cũng không thực sự chính danh, số lượng không tương xứng với chất lượng...

Danh hiệu đang trở thành cơ hội để tiến thân, học hàm học vị đang trở thành phương tiện để được đề bạt, cất nhắc và hưởng lợi nhiều hơn so với năng lực thực tế chứ không phải là sự đánh giá, ghi nhận của xã hội, nên việc bỏ tiền bạc để “chạy” cho có những danh xưng, danh hiệu cũng là việc dễ hiểu.

Đáng ngại hơn, không ít những cơ quan báo chí, truyền thông thậm chí những quan chức, các đơn vị chức năng vẫn đang hàng ngày tung hê những giá trị lệch lạc này thông qua những hoạt động truyền thông, PR… và hằng ngày tác động trực tiếp lên nhận thức của cộng đồng.

Việc một hội nghề nghiệp đứng ra phong “nữ hoàng” “nam vương” cho hàng loạt cá nhân, từ văn hóa tâm linh đến giáo dục, từ nông sản đến… cabon, thậm chí phong cả “hàm” giáo sư… là biểu hiện cụ thể cho thấy sự lỏng lẻo, yếu kém trong quản lý của các ngành chức năng cũng như sự lệch lạc về các hệ giá trị xã hội.

Khi những danh xưng lập lờ này đang đi vào đời sống với những mục đích khác nhau, từ thỏa mãn thói háo danh, là chiêu trò đánh bóng tên tuổi, tạo lập vị trí xã hội cho đến sử dụng những danh hiệu này để kiếm lợi cá nhân… thì chính là lúc cần nghiêm túc xem lại công tác quản lý, nhằm hạn chế những hệ lụy của việc loạn danh xưng như hiện nay.

Những biện pháp quản lý, chế tài cụ thể trước mắt là cần thiết và sẽ có tác dụng hạn chế sự bát nháo trong việc “phong tặng” những danh hiệu, cũng như những hệ lụy từ sự lập lờ này, nhưng trên hết vẫn là việc xây dựng ý thức xã hội cũng như việc hình thành những hệ giá trị chân chính.

Điều này đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức một cách toàn diện và cần được bắt đầu chính từ nền giáo dục hiện tại. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi xã hội đặt ra những yêu cầu về kĩ năng, năng lực cụ thể thì những giá trị mà một nền giáo dục cần xây dựng và hướng đến không thể là việc chạy theo những thành tích và dung dưỡng cho những danh hiệu hão…

Lê Hiền