06:16 12/06/2019

Đừng để trẻ em bị cướp mất ước mơ

Trên thế giới hiện nay vẫn còn 152 triệu trẻ em đang bị bóc lột lao động. Tình trạng này xảy ra gần như trong mọi lĩnh vực, trong đó cứ 10 em thì có 7 em bị bóc lột sức lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Trẻ em xếp hàng chờ lấy nước tại vòi nước công cộng ở Hodeidah, Yemen ngày 30/9/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Với chủ đề “Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ”, Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm nay (12/6/2019) là dịp để Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) kêu gọi phòng chống lao động trẻ em, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để đảm bảo cho trẻ em có một tương lai tốt đẹp.

Theo luật quốc tế, lao động trẻ em là hành vi bị cấm vì lý do độ tuổi của trẻ quá nhỏ để làm việc, thời gian làm việc quá dài, điều kiện làm việc tồi tệ, hoặc bản chất công việc không phù hợp sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm. Điều đó sẽ làm tổn hại đến sức khỏe thể chất, tâm lý của các em, cũng như ảnh hưởng đến cơ hội trong cuộc sống của thế hệ tương lai.

Năm 1989, Liên hợp quốc đã ban hành “Hiệp ước về Quyền Trẻ em”, là công cụ có tính bắt buộc pháp lý quốc tế đầu tiên có tích hợp toàn bộ phạm vi nhân quyền - dân sự, văn hoá, kinh tế, chính trị và quyền xã hội của trẻ em trên toàn thế giới. Kể từ khi các quyền chính đáng của trẻ em được công nhận, nhiều tổ chức quốc tế đã coi lao động trẻ em là một hình thức bóc lột, và pháp luật tại nhiều nước trên thế giới cũng cấm lao động trẻ em. 

Năm 2002, nhằm nâng cao nhận thức và hành động để ngăn chặn lao động trẻ em, ILO đã đề xuất tổ chức Ngày Thế giới chống Lao động trẻ em vào ngày 12/6 hàng năm và được LHQ công nhận.

Tiếp đó, Công ước ILO số 138 quy định rõ về độ tuổi lao động tối thiểu, và Công ước ILO số 182 về các hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em đã được ban hành, đưa ra những tiêu chuẩn cơ bản nhất về hình thức lao động trẻ em và các cơ sở để ngăn chặn vấn nạn này.

Việc chống lao động trẻ em ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), trong đó mục tiêu 8.7 kêu gọi cộng đồng toàn cầu: “Thực hiện các biện pháp ngay lập tức và hiệu quả để xóa bỏ lao động cưỡng bức, chấm dứt chế độ nô lệ và buôn bán người hiện đại; bảo đảm cấm và loại bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, bao gồm tuyển dụng và sử dụng binh lính trẻ em, để đến năm 2025 kết thúc lao động trẻ em dưới mọi hình thức”.

Nhờ những nỗ lực trên, số lao động trẻ em trên toàn cầu đã giảm 1/3 từ 246 triệu em vào năm 2000 xuống còn 168 triệu em vào năm 2013. Theo báo cáo của ILO, tỷ lệ trẻ em làm việc trong đội tuổi 5 - 17 tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã giảm 8,8% năm 2012 xuống còn 7,3% năm 2016. Cũng trong giai đoạn từ năm 2012-2016, tỷ lệ trẻ em làm việc trong các lĩnh vực nguy hiểm đã giảm 2,4%, trong đó Mỹ Latinh và Caribe là hai khu vực giảm mạnh nhất, tiếp đó là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn còn hạn chế và chưa thể đảm bảo việc đạt được mục tiêu bền vững đúng thời hạn như cộng đồng quốc tế đã đề ra. Châu Phi hiện là khu vực có số trẻ em bị bóc lột lao động nhiều nhất với 72,1 triệu em, tiếp đó là châu Á - Thái Bình Dương (62,1 triệu em), châu Mỹ (10,7 triệu em), châu Âu và Trung Á (5,5 triệu em).

Tại châu Phi, cứ 5 em thì có 1 em bị bóc lột lao động (tương đương 19,6%), châu Âu và Trung Á (4,1%), châu Mỹ (5,3%), châu Á và khu vực Thái Bình Dương (7,4%). Các em không được đến trường, không nhận được sự chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ và bị tước mất tuổi thơ. Hơn một nửa trong số này phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, trở thành nô lệ, hay nạn nhân của các hình thức lao động cưỡng bức, hoặc bị buộc tham gia các hoạt động bất hợp pháp như buôn ma túy, mại dâm và xung đột vũ trang.

So với trẻ em gái, các bé trai đối mặt với nhiều nguy cơ lao động trẻ em hơn khi chiếm 58% tổng số lao động trẻ em và 62% số em phải làm các công việc  nguy hiểm. Tuy nhiên, con số này có thể không chính xác do chưa tính đến các em gái phải lao động trong gia đình. Đáng chú ý, lao động trẻ em chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp với tỷ lệ lên tới 71%.

Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm là do đói nghèo, chất lượng giáo dục gia đình còn hạn chế… Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ, đồng thời tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Trước thực trạng này, các liên đoàn và tổ chức lao động đã không ngừng nỗ lực để loại bỏ lao động trẻ em tại khu vực nông thôn. Tại bang Tamil Nadu và Madhya Pradesh của Ấn Độ, các nghiệp đoàn thương mại và các thành viên tại nông thôn đang triển khai ý tưởng những ngôi làng không có lao động trẻ em thông qua đối thoại với những người đứng đầu địa phương và chủ lao động. Nhiều thỏa thuận đã được hoàn tất nhằm chấm dứt tình trạng lao động trẻ em.

Tương tự như vậy, Liên đoàn các chủ lao động tại Uganda đã thiết lập các ủy ban giám sát lao động trẻ em ngay từ cấp địa phương, bao gồm các lĩnh vực như trồng cà phê, trà, lúa và sản xuất đường.

Trong khi đó, các nghiệp đoàn và các tổ chức đại diện cho người bản xứ đã phối hợp và thành lập liên minh để chung tay hành động, đặc biệt là tại khu vực Mỹ Latinh. Tại một số quốc gia, các hoạt động trên đã giúp các tổ chức đại diện cho người bản xứ tham gia vào các ủy ban quốc gia trong việc ngăn ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em.

Lao động trẻ em hiện đã trở thành vấn đề toàn cầu, đòi hỏi tất cả các quốc gia trên thế giới cần thể hiện trách nhiệm hơn nữa trong việc ngăn ngừa tình trạng trên. Các nước cần thực hiện các chính sách đồng bộ để hỗ trợ luật pháp quốc gia về lao động trẻ em; các tổ chức quốc tế, chính phủ, nghiệp đoàn, chủ lao động cần chung tay giải quyết tận gốc vấn đề, đảm bảo các em được hưởng đầy đủ các quyền và phát triển chính đáng, vì tương lai của chính các em cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.

Đặng Ánh (TTXVN)