03:08 18/03/2013

Đừng để dân “khát” khi nước sạch đã về đến thôn

Hơn 1.200 hộ dân thuộc nhiều xã của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vẫn đang “khát” nước sạch.

Hơn 1.200 hộ dân thuộc nhiều xã của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vẫn đang “khát” nước sạch. Trong khi đó, một công trình cấp nước sạch với kinh phí hơn 22 tỷ đồng được huyện đầu tư xây dựng ở hồ Rào Đá (xã Trường Xuân) xây xong vẫn “đắp chiếu” 2 năm qua vì thiếu đường ống dẫn nước từ nhà máy đến các hộ dân…


 

Cổng nhà máy nước “bị đắp chiếu” luôn đóng im ỉm.

 

Thôn Thu Thừ nằm sát Nhà máy nước sạch được nêu ở trên. Đây cũng là một trong hai thôn của xã An Ninh (huyện Quảng Ninh) phải dùng nguồn nước nhiễm dầu do thời chiến tranh có một kho xăng dầu rất lớn của ta được xây dựng ở đây để cung cấp cho chiến trường miền Nam bị giặc ném bom làm cháy. Hơn 40 năm qua, người dân ở đây phải sống chung với nguồn nước bị nhiễm dầu. Hầu hết các giếng nước ở thôn Thu Thừ đều đầy váng và có mùi dầu rất nặng. Để giải quyết tình trạng này, nhà nào ở đây cũng xây dựng một bể bằng cát để lắng lọc nước trước khi dùng, nhưng mùi dầu chỉ giảm chứ không thể hết được. Vì vậy, khi dự án đầu tư công trình nước sạch được xây dựng, ai cũng vui mừng. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, công trình xây xong để rồi “đắp chiếu” khiến cho người dân thật sự bất bình.


Bác Nguyễn Ngọc Nhân ở thôn Thu Thừ, năm nay đã 82 tuổi, bức xúc nói: “Đầu tư một công trình lớn như vậy rồi để không là có tội với dân và gây lãng phí đồng vốn của Nhà nước. Cách làm này của huyện Quảng Ninh là khó chấp nhận, bà con ở trong thôn ai cũng buồn lắm”.


 

Một trong rất nhiều giếng nước của người dân ở thôn Thu Thừ bị nhiễm dầu và phèn.

 

Còn anh Hồ Công Thương, Trưởng thôn Thu Thừ, cho biết: Lần nào tổ chức họp thôn, bà con cũng đề cập đến chuyện nhà máy nước sạch đầu tư xong rồi “đắp chiếu”, nhưng anh cũng chẳng biết trả lời với dân thế nào cho phải lẽ. Theo anh Thương, việc thiếu vốn đầu tư ống dẫn nước đến hộ dân có nhiều cách để giải quyết như huy động sức dân, vốn trong dân... mà không thấy huyện triển khai.


Trả lời về việc này, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh giải thích: Do thiếu nguồn vốn đầu tư nên Dự án Nhà máy nước mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 về xây dựng công trình đầu mối. Giai đoạn 2 về xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước đến từng khu dân cư cần số vốn quá lớn, lên đến 100 tỷ đồng nên đang nằm ngoài khả năng của địa phương. Hiện nay, huyện Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh việc hoàn thiện các thủ tục để tranh thủ các nguồn vốn, và trước mắt cũng đã lắp đặt đường ống tới được một số hộ dân trong thôn; tuy nhiên để hoàn thiện công trình này chắc sẽ còn cần một thời gian dài nữa.


Trong suốt 2 năm, dân tiếp tục "khát" nước sạch, trong khi công trình đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng phải nằm phơi nắng, phơi sương là một vấn đề thực sự đáng bàn và các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, để người dân sớm có nước sạch sử dụng.

 

Bài và ảnh: Song Trang