04:14 08/04/2011

Đứng bên kia sườn dốc của cuộc đời

Nếu như trước đây, khi chất lượng cuộc sống chưa cao, người ta thường ví giai đoạn từ tuổi 50 trở đi là “đứng bên kia sườn dốc của cuộc đời”.

Nếu như trước đây, khi chất lượng cuộc sống chưa cao, người ta thường ví giai đoạn từ tuổi 50 trở đi là “đứng bên kia sườn dốc của cuộc đời”.

Ngày nay, giai đoạn này được ví như những năm tháng “tuổi vàng” của đời người bởi họ đã có cuộc sống ổn định, con cái trưởng thành nên không phải lo toan như trước.

Tuy nhiên, nhiều phụ nữ bước vào tuổi trung niên vẫn thường phải đối mặt với thình trạng suy giảm sức khoẻ, nhất là các triệu chứng liên quan đến tim mạch, tiêu hoá, miễn dịch, xương khớp... Vì thế, chăm sóc sức khỏe cho lứa tuổi trung - cao niên để giữ được “vàng” không phải là điều đơn giản.

Bác sĩ Nguyễn Viết Quỳnh Như, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP Hồ Chí Minh, cho biết: Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi trong cơ thể người phụ nữ ở lứa tuổi trung niên, đó là sự chuyển hóa (đây là biểu hiện các yếu tố bệnh tật xen lẫn vào nhau như tim mạch, nội tiết, béo phì do rối loạn hoạt động của cơ mỡ); yếu tố sinh lý (đây là giai đoạn cơ thể người phụ nữ ngưng tiết hormone buồng trứng trong hay còn gọi là thời kỳ tiền mãn kinh, dẫn đến ăn không ngon, ngủ không tròn giấc...) và yếu tố gene.

Để hạn chế những dấu hiệu tiêu cực, theo bác sĩ Quỳnh Như, mỗi người cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Chế độ dinh dưỡng này không chỉ duy trì chức năng sinh lý mà còn giúp giảm stress và phòng ngừa bệnh tật.

Đặc biệt, trong giai đoạn này cần bổ sung đủ đạm với nguồn đạm có giá trị sinh học cao như sữa, đậu nành, trứng, thịt, cá để bảo đảm khối cơ.

Ngoài ra, các chất xơ, vitamin E, vitamin C, các thức ăn có đủ nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt cũng phải được bổ sung hàng ngày để bảo vệ hệ tim mạch, tiêu hoá.

Riêng đối với phụ nữ, nhất là ở độ tuổi từ 50 trở lên, việc bổ sung đủ can-xi và vitamin D... giúp phụ nữ ngăn ngừa bệnh loãng xương. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng.

Theo TS.BS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, người lớn tuổi ngoài các hình thức giải trí, nghỉ ngơi nên tiếp tục học hành, giao lưu với bạn bè tại các câu lạc bộ... để tinh thần được thoải mái, yêu đời.

Ngoài ra, cũng nên chọn cho mình một môn thể thao ưa thích và phù hợp với tình hình sức khỏe như đi bộ, bóng bàn, cầu lông. Cùng với sự nỗ lực của bản thân thì sự quan tâm của gia đình và cộng đồng cũng có ý nghĩa quan trọng.

Để người trung – cao niên giữ được “tuổi vàng” và sống có ý nghĩa, gia đình nên quan niệm rằng người lớn tuổi vẫn có ích, vẫn đóng góp được cho gia đình và xã hội.

Chính lòng hiếu thảo của con cháu là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với ông bà, cha mẹ.

“Với mỗi bậc cao niên, không có niềm vui và hạnh phúc nào lớn hơn là có được sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương của con cháu. Và có gì ý nghĩa hơn khi người lớn tuổi nhận được món quà sức khỏe vàng từ con cháu”, TS. BS Từ Ngữ chia sẻ.

Song Nguyễn 


Theo PNVN