04:07 09/04/2021

Đức: Ủng hộ tăng quyền hạn của chính phủ liên bang trong phòng chống dịch

Trong bối cảnh hiện nay, một số bang của Đức ủng hộ thực hiện việc phong tỏa nghiêm ngặt hơn, có bang khác "hài lòng" về những biện pháp hiện tại, trong khi một số bang muốn nới lỏng thêm các biện pháp phong tỏa.

Trong bối cảnh các bang ở Đức tiếp tục bất đồng về một hướng đi chung nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang bùng phát mạnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel và nhiều nghị sĩ thuộc liên đảng bảo thủ mong muốn sửa đổi luật để tăng cường quyền hạn của chính phủ liên bang trong việc ra các quyết định ràng buộc liên quan phòng, chống đại dịch. 

Chú thích ảnh
Một nhà hàng đóng cửa khi lệnh phong tỏa được áp dụng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 1/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Luật Phòng chống lây nhiễm hiện nay trao quyền cho các bang đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh, do vậy mỗi bang đưa ra một hình thức chống dịch khác nhau tùy theo tình hình dịch bệnh tại bang. Trong bối cảnh hiện nay, một số bang ủng hộ thực hiện việc phong tỏa nghiêm ngặt hơn, có bang khác "hài lòng" về những biện pháp hiện tại, trong khi một số bang muốn nới lỏng thêm các biện pháp phong tỏa.

Trong số các nghị sĩ Quốc hội Đức có 52 nghị sĩ thuộc Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) muốn gia tăng quyền lực của chính phủ liên bang theo luật, đồng thời cam kết sẽ ủng hộ việc sửa đổi Luật Phòng chống lây nhiễm để tăng quyền hạn của chính phủ trong việc thực thi biện pháp chống dịch đối với các bang. Các nghị sĩ chỉ trích sự "khập khiễng" giữa chính quyền trung ương và các bang trong nỗ lực chống dịch, yêu cầu cần có sự thống nhất về một hành động chung.

Lãnh đạo đảng đoàn CSU Alexander Dobrindt cho rằng Luật Phòng chống lây nhiễm "bị lỗi cấu trúc", không đủ sức mạnh bởi trong tình huống đại dịch toàn quốc chỉ trao quyền cho các bang, trong khi chính quyền liên bang không được quyền định hình biện pháp để các bang bắt buộc phải tuân thủ.

Theo ông, các nghị sĩ phải vào cuộc để có sự sửa đổi pháp lý đối với Luật Phòng chống lây nhiễm nhằm trao quyền cho liên bang thông qua các quy định bắt buộc về mặt pháp lý để triển khai các biện pháp chống dịch. Tuy nhiên, để sửa đổi luật trên, ngoài sự ủng hộ của các nghị sĩ CDU và CSU, cần phải có ít nhất một nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) ủng hộ, trong khi các nghị sĩ trung tả vẫn chưa đạt được sự thống nhất về điều này. Trong khi đó, một số thủ hiến bang đã lên tiếng phản đối điều này, trong đó có Thủ hiến bang Thüringen Bodo Ramelow (đảng Cánh tả), Thủ hiến bang Rheinland-Pfalz Malu Dreyer (SPD) và Thủ hiến bang Niedersachsen Stephan Weil (đảng SPD).

Theo kế hoạch, Thủ tướng Merkel sẽ cùng các thủ hiến bang tiến hành hội nghị trực tuyến để thảo luận về tình hình dịch bệnh vào ngày 12/4 tới. Tuy nhiên, đã có một số ý kiến kêu gọi hoãn cuộc gặp này khi thủ hiến 16 bang chưa có đường lối rõ ràng trong việc phòng chống dịch.

Theo số liệu do các cơ quan y tế Đức thông báo tối 8/4 (theo giờ địa phương), trong 24 giờ qua Đức ghi nhận thêm 341 ca tử vong và 23.163 ca nhiễm mới. Đây là mức lây nhiễm cao nhất ghi nhận trong các ngày thứ Năm kể từ ngày 7/1 vừa qua.

Liên quan tình hình giao nhận vaccine ngừa COVID-19 ở Đức, hãng Moderna của Mỹ thông báo trong năm nay sẽ chuyển giao cho Đức 80 triệu liều vaccine. Trong quý I/2021, Moderna đã giao cho Đức 1,8 triệu liều và dự kiến trong quý II sẽ giao thêm 6 triệu liều. Trong khi đó, hãng sản xuất vaccine Sputnik V của Nga ngày 8/4 thông báo đã bắt đầu thảo luận với đại diện Chính phủ Đức về việc mua vaccine phòng COVID-19 của Nga.

Mạnh Hùng  (TTXVN)