10:08 16/10/2015

Đức siết chặt dòng người di cư với Luật tị nạn sửa đổi

Ngày 15/10, sau một ngày tranh luận nảy lửa giữa các nghị sỹ, Hạ viện Đức (Bundestag) với 475 phiếu thuận, 68 phiếu chống và 57 phiếu trắng đã thông qua Luật tị nạn sửa đổi.


Người tị nạn Syria tới đảo Lesbos, Hy Lạp sau cuộc hành trình vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters/TTXVN

Việc sửa đổi luật này nhằm mục tiêu đẩy nhanh quá trình xét duyệt đơn xin tị nạn và buộc những người bị bác đơn phải nhanh chóng rời khỏi nước Đức. Ngoài ra, luật sửa đổi cũng sẽ quy định chặt hơn về việc trục xuất và giảm các trợ cấp xã hội cho những người tị nạn. Theo đó, trong tương lai các khoản trợ cấp tiền mặt sẽ giảm xuống và thay vào đó là những hỗ trợ vật chất thiết yếu khác. Những người bị bác đơn xin tị nạn, nếu không tự nguyện rời khỏi nước Đức thì trong thời gian còn ở lại sẽ không nhận được bất kỳ trợ cấp xã hội nào. Một điểm mới bổ sung vào luật là các nước và khu vực ở Balkan gồm Albania, Montenegro và vùng Kosovo sẽ được bổ sung vào danh sách “điểm xuất phát an toàn”.

Trong khi đó, Luật sửa đổi cũng mở ra cánh cửa rộng hơn đối với những người được cấp quyền ở lại. Cụ thể, nhiều chương trình hội nhập mới sẽ được triển khai và những người được chấp thuận tị nạn sẽ được tham gia nhanh hơn vào các chương trình này cũng như với thị trường lao động Đức. Trong năm 2015, chính phủ liên bang cũng sẽ nâng hỗ trợ cho các bang và chính quyền địa phương gấp đôi lên 2 tỷ euro. Từ năm 2016, chính phủ liên bang cấp cho mỗi người tị nạn một tháng tổng các khoản trợ cấp tương đương 670 euro. Ngoài ra, chính phủ liên bang cũng sẽ xây dựng nhiều nhà ở mới và thúc đẩy các chương trình chăm sóc trẻ vị thành niên nhập cư. Tổng các khoản hỗ trợ tiền mặt và hạ tầng cho các bang từ những kế hoạch này trong năm 2016 sẽ khoảng 4 tỷ euro.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đánh giá Luật tị nạn mới vừa được thông qua là “lần sửa đổi lớn nhất và toàn diện nhất của luật này từ những năm 1990”. Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel một lần nữa nhấn mạnh cuộc khủng hoảng nhập cư và tị nạn là “một thử thách lịch sử” đối với châu Âu và cần phải được giải quyết ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu. Bà Merkel cũng cho rằng Luật tị nạn sửa đổi của Đức là một bước quan trọng trong quá trình này.

Ngay trong ngày 16/10, Hội đồng liên bang (Bundesrat), tức Thượng viện Đức sẽ nhóm họp để xem xét và thông qua Luật tị nạn sửa đổi trên. Sau đó, chính phủ liên bang và chính phủ các bang sẽ nhóm họp một lần cuối để thống nhất triển khai luật. Dự kiến luật tị nạn sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/11/2015.

* EU hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế làn sóng di cư


Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Hương Giang – Phóng viên TTXVN tại Bỉ.

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc đêm 15/10 (theo giờ Việt Nam) ở thủ đô Brussels. Chủ đề chính của hội nghị vẫn là vấn đề di cư với trọng tâm là việc tăng cường hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế làn sóng người nhập cư đang ồ ạt vào châu Âu.

EU sẵn sàng nhượng bộ với Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy những cam kết nghiêm túc của quốc gia này trong việc hạn chế dòng người nhập cư tới châu Âu. Các nhà lãnh đạo EU mong muốn phối hợp các nỗ lực ngoại giao bên ngoài biên giới châu Âu để ngăn chặn làn sóng người nhập cư khi mùa đông đang đến gần.

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, châu Âu cần phải giúp đỡ Ankara “đón tiếp người tị nạn” và quản lý tốt hơn biên giới lãnh thổ. Bà cũng nhấn mạnh “không chấp nhận” vùng biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trở thành nơi hoạt động của những kẻ buôn người. Ngay trong ngày 15/10, 7 người di cư đã thiệt mạng khi vượt biển Egée, con đường chính để đến châu Âu, trong vụ va chạm giữa tàu tuần tra của Hy Lạp và phà chở người nhập cư trên vùng biển thuộc đảo Lesbos.

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz nhấn mạnh các quốc gia EU cần giữ đúng cam kết của mình trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư bằng cách đóng góp nhân lực và tài chính cho các cơ quan quản lý người nhập cư. Ông Martin Schulz khẳng định EP sẵn sàng làm mọi điều cần thiết để EU có được một chính sách di cư và tị nạn phù hợp trong thế kỷ 21. EP sẽ làm việc với Ủy ban châu Âu (EC) để đưa ra danh sách các quốc gia an toàn đối với người nhập cư.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng của Syria hiện tiếp nhận hơn 2 triệu người tị nạn và đang trở thành cửa ngõ vào châu Âu của hàng trăm nghìn người di cư. Theo một nguồn tin châu Âu, EC sẵn sàng chi 63 tỷ euro hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp nhận người tị nạn.

TTXVN/Tin Tức