09:10 14/09/2015

Đức nối lại việc kiểm soát biên giới với Áo

Chiều 13/9, Đức thông báo tạm thời nối lại hoạt động kiểm soát tại các chốt nằm trên đường biên giới với Áo, theo đó tất cả những người đi qua ranh giới này đều bị kiểm tra hộ chiếu, thay vì tự do đi lại như trước đây.


Người tị nạn tại nhà ga ở Salzburg, Đức, gần biên giới với Áo ngày 13/9. Ảnh: THX/TTXVN


Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết mục đích của quyết định này là hạn chế dòng người tị nạn tràn vào Đức cũng như lập lại trật tự tại khu vực biên giới để đảm bảo các yêu cầu về an ninh. Mặc dù thừa nhận bước đi này có thể không giải quyết được hoàn toàn các vấn đề do dòng người di cư và tị nạn gây ra, song ông Maiziere cho rằng nó phần nào thể hiện mong muốn của Đức chia sẻ gánh nặng hiện nay với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Ngoài quyết định trên, ông Maiziere kêu gọi các nước EU cần tuân thủ thỏa thuận Dublin, theo đó cho phép người di cư được đăng ký và tiến hành các thủ tục xin tị nạn ngay khi đặt chân vào quốc gia đầu tiên thuộc EU, thay vì từ chối và đưa những người này lên tàu đến Đức như hiện nay.

Đề cập đến làn sóng người di cư đổ vào Đức qua biên giới Áo, ông Maiziere cho biết chỉ trong tháng 8 vừa qua, tại bang Bavaria tiếp giáp Áo, khoảng 63.000 người tị nạn đã tới nhà ga trung tâm thành phố Munich, thủ phủ của bang này, bằng số người tiếp nhận trong cả năm 2014 của thành phố và đặt Munich vào tình trạng quá tải. Công ty đường sắt quốc gia Áo (OEB) cũng phải tạm dừng các tuyến đi đến Munich đưa người tị nạn tới Đức theo yêu cầu của Berlin.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng quyết định kiểm soát lại biên giới của Đức nhằm đáp ứng với tình hình khẩn cấp là không vi phạm Hiệp ước Shengen, trong đó quy định các nước có quyền áp đặt trở lại việc kiểm soát biên giới nếu xảy ra tình hình khẩn cấp. Tuy nhiên, trong trường hợp như vậy, EC hoặc ban chấp hành của EU gồm 28 quốc gia, Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia khác trong Hiệp ước Schengen phải được thông báo về kế hoạch trên.

Chỉ một giờ rưỡi sau khi Đức nối lại kiểm soát biên giới, Chính phủ Cộng hòa Séc cũng thông báo sẽ kiểm soát chặt hơn khu vực biên giới của nước này với Áo, quốc gia vừa tuyên bố không loạt trừ khả năng siết chặt thêm việc kiểm soát tại khu vực biên giới với Hungary nếu tình hình còn diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, cùng ngày, Pháp kêu gọi tất cả các nước thành viên EU tôn trọng triệt để các quy định của Hiệp ước Schengen. Phát biểu sau khi trao đổi với người đồng cấp Đức, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết một số nước đã không tuân thủ những quy định của Schengen khi quyết định đặt ra các trạm kiểm soát trên các đường biên giới trong EU. Việc Đức nối lại hoạt động kiểm soát biên giới với Áo có thể sẽ làm hạn chế đáng kể hoạt động của các tập đoàn kinh tế châu Âu. Mặt khác, quyết định trên của Berlin rõ ràng lại đi ngược lại tuyên bố vừa đưa ra vài ngày trước đó mở cửa biên giới để đón những người tị nạn đến từ Syria.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã có cuộc điện đàm vào đêm 13/9 nhằm thảo luận về những diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu.

* Nghị sỹ Mỹ cảnh báo nguy cơ an ninh từ việc tiếp nhận người tị nạn Syria

Việc Mỹ có kế hoạch tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria làm gia tăng nguy cơ các chiến binh Hồi giáo xâm nhập vào nước này. Đây là lời cảnh báo do Nghị sĩ Mike McCaul, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ, đưa ra ngày 13/9.

Theo Nghị sĩ McCaul, các phần tử thánh chiến, đặc biệt là các chiến binh thuộc nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, có thể dễ dàng trà trộn vào dòng người tị nạn đang tháo chạy khỏi cuộc xung đột ở Syria, tạo ra tuyến đường di chuyển cho lực lượng thánh chiến Hồi giáo. Ông McCaul quan ngại rằng nếu xét ở khía cạnh an ninh quốc gia, IS có khả năng lợi dụng và khai thác cuộc khủng hoảng người tị nạn để xâm nhập vào các nước phương Tây.

Kế hoạch tiếp nhận người tị nạn Syria trong năm 2016 của chính quyền Mỹ cũng khiến các quan chức an ninh nước này lo ngại. Nhiều giới chức Mỹ cũng có cùng quan điểm với nghị sĩ McCaul. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Ben Carson còn quan ngại về tính hiệu quả của cơ chế kiểm tra lý lịch người tị nạn mà Mỹ đang áp dụng hiện nay. Theo ông, hệ thống này cần phải được nâng cấp bởi việc tiếp nhận người tị nạn từ Trung Đông vào thời điểm này là rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, bất chấp những lời cảnh báo này, cựu Tướng thủy quân lục chiến bốn sao John Allen, người từng đảm nhận cương vị Tư lệnh các lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan, lại tin tưởng đối với hệ thống kiểm tra lý lịch người tị nạn. Trả lời phỏng vấn chương trình truyền hình phát cùng ngày, ông thừa nhận rủi ro và nguy cơ các phần tử thánh chiến "đội lốt" người tị nạn, song tin tưởng rằng các nhà chức trách an ninh Mỹ đã và đang nỗ lực ngăn chặn mối đe dọa này.

Theo thống kê, trong hơn 4 năm qua tính từ thời điểm bùng phát cuộc nội chiến Syria, mới chỉ khoảng 1.800 công dân quốc gia Trung Đông này được phép tị nạn tại Mỹ. Con số này chỉ là một phần nhỏ trong số 4 triệu người Syria đang phải đi lánh nạn sang các nước khác. Trong khi đó, Liên hợp quốc đã từng đề cập đến con số 18.000 người tị nạn Syria sang tái định cư ở Mỹ và để thực hiện điều này, mỗi người tị nạn sẽ phải trải qua quá trình gồm kiểm tra lý lịch, sức khỏe, phỏng vấn, kéo dài gần 2 năm.

TTXVN/Tin Tức