06:05 17/06/2011

Đức lên kế hoạch hủy diệt Liên Xô bằng... chết đói - Kỳ I: Mục tiêu giảm 30 triệu người

Cách đây đúng 70 năm, dưới tên gọi "Chiến dịch Barbarossa", ngày 22/6/1941, quân đội Đức bắt đầu tấn công Liên Xô. Trong khi những kẻ chinh phục cướp bóc cả vùng, dùng hàng đoàn tàu chở lương thực, thực phẩm về nước, thì hàng triệu tù binh và dân thường Nga bị chết đói.

Cách đây đúng 70 năm, dưới tên gọi "Chiến dịch Barbarossa", ngày 22/6/1941, quân đội Đức bắt đầu tấn công Liên Xô. Trong khi những kẻ chinh phục cướp bóc cả vùng, dùng hàng đoàn tàu chở lương thực, thực phẩm về nước, thì hàng triệu tù binh và dân thường Nga bị chết đói. Mục tiêu được đề ra là: "Để chết đói!". Ngay từ đầu, cuộc xâm lược của Hitler vào Liên Xô đã được xác định là một cuộc chiến tranh hủy diệt. Hàng tháng trời trước khi tấn công, các chuyên gia nông nghiệp Đức đã vạch ra một kế hoạch kỳ quái, chấp nhận việc hàng triệu người sẽ chết đói. Đối với thành phố Leningrad bị bao vây thì kế hoạch này cực kỳ dã man.

Kỳ I: Mục tiêu giảm 30 triệu người

Quân đội Đức đã nhanh chóng giành được hết thắng lợi này tới thắng lợi khác. Chỉ trong vòng 6 tuần, họ đã chiếm được Ba Lan, nhưng Herbert Backe lại lo sợ điều tồi tệ nhất. Đầu năm 1940, Backe đưa ra một dự báo đen tối về "sự suy sụp ngành lương thực Đức trong năm thứ hai của chiến tranh, giống như năm 1918". Và ngày 19/5/1940, khi quân đội của Hitler tràn vào nước Pháp với một tốc độ không tưởng tượng nổi, thì Backe đã hốt hoảng ghi lại: "Nếu cuộc chiến tranh kéo dài hơn 2 năm, nó sẽ thất bại!".

Herbert Backe, kẻ vạch ra kế hoạch bỏ người Nga chết đói để lấy lương thực nuôi lính Đức.


Herbert Backe, từ năm 1923 là thành viên đảng Quốc xã NSDAP và SA, hoàn toàn không phải là một người phê phán chính quyền. Nhưng đối với Backe, cuộc Chiến tranh thế giới thứ Nhất là một cơn ác mộng: Không chỉ vì ông là một công dân Phổ, sinh ra ở vùng Caucasus, nên phải ở 4 năm trong tù ở Siberi. Mà trước hết, vì cuối cùng vương quốc Phổ không còn khả năng nuôi công dân của mình nữa. Giá lương thực bùng nổ và hàng trăm nghìn người chết đói. Năm 1918, nước Đức bị kiệt sức, mỏi mệt vì chiến tranh và cách mạng. Đầu năm 1940, Herbert Backe lo sợ tái diễn tình cảnh này.

Người đàn ông 44 tuổi với vầng trán cao và mái tóc mỏng, chải cẩn thận ra phía sau này làm việc với tư cách là Quốc vụ khanh trong Bộ Lương thực và Nông nghiệp Đế chế với một nhiệm vụ quan trọng: Ngăn cản lịch sử lặp lại. Nhưng thoạt đầu, lịch sử có vẻ như đang lặp lại. Việc phong tỏa đường biển của Anh có hiệu quả và ngay trong những tháng đầu tiên của chiến tranh đã cắt giảm 2/3 lượng nhập khẩu của Đức. Nhà nước Quốc xã này chẳng bao lâu nữa sẽ phải đụng tới nguồn lương thực dự trữ và phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc của Nga.

Vì vậy, việc Hitler tấn công Liên Xô cách đây hơn 70 năm không hẳn là một cuộc tấn công tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản, bị thúc đẩy bởi vì sự thù ghét mù quáng, mà là một cuộc tấn công có tính toán lạnh lùng về lý do kinh tế. Chuẩn bị "Chiến dịch Barbarossa" cũng là lúc các chuyên gia nông nghiệp nhẫn tâm như Herbert Backe phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi, làm thế nào có thể nuôi 3 triệu lính Đức hoàn toàn "từ nước này" (Liên Xô).

Với sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng của Đức, các nhà kỹ trị của Backe trong "Ban tham mưu kinh tế miền Đông" đã soạn thảo ra một kế hoạch có một không hai về tính cực đoan để giết người hàng loạt bằng cái đói. Theo tính toán của bọn Quốc xã, mỗi dân thường và tù binh Nga chết đi sẽ cải thiện tình hình cung ứng lương thực cho lính Đức và người Đức trong nước. Theo ý muốn của các nhà hoạch định kế hoạch Quốc xã thì hàng triệu dân ở các thành phố và khu vực không sản xuất phải chết. Tư lệnh không quân Đức Hermann Goering đã hài lòng tuyên bố rằng, năm 1941 tại Liên Xô sẽ "có nhiều người chết nhất kể từ cuộc Chiến tranh Ba mươi năm".

Quân đội Đức hùng hổ tấn công Liên Xô ngày 22/6/1941.


Những người như Quốc vụ khanh Backe đã biến những chỉ thị về chiến tranh như vậy thành các kế hoạch và con số thống kê lạnh lùng. Trong cuộc gặp gỡ ngày 2/5/1940, các Quốc vụ khanh này khẳng định: "Chỉ có thể tiếp tục tiến hành chiến tranh, nếu toàn bộ quân đội Đức được nuôi bằng lương thực của nước Nga trong năm thứ ba của chiến tranh. Trong đó, rõ ràng sẽ có hàng triệu người chết đói, nếu chúng ta lấy lượng lương thực cần thiết cho chúng ta".

Chỉ ba tuần lễ sau, Backe và các nhân viên của y đã soạn thảo xong chỉ thị chi tiết, được đích thân Hitler phê chuẩn đối với "Tổ chức kinh tế miền Đông, Nhóm Nông nghiệp". Một tháng trước khi tấn công, Liên Xô đã có một hoạt cảnh chính xác, mà trong nội bộ được gọi là "Kế hoạch Backe", kế hoạch chuyển đổi hoàn toàn việc cung ứng cho quân đội Đức. Về cốt lõi, đây là một dự thảo diệt chủng.

Suy nghĩ ban đầu được đề cập là câu hỏi, vì sao cách đây 3 thập kỷ, nước Nga sản xuất thừa ngũ cốc hơn nhiều so với những năm qua. Câu trả lời của các nhà chuyên môn nghe chừng rất vô hại: Việc lượng lương thực dư thừa suy giảm không phải do sản xuất ít hơn hoặc diện tích canh tác bị thu hẹp, mà vì dân số đã tăng thêm 30 triệu người. Theo "Kế hoạch Backe", như vậy cốt lõi của vấn đề đã được nhận ra: "Điều quyết định cho lượng lương thực dư thừa không phải là sản lượng cao của mùa màng, mà là mức tự tiêu thụ".

Kết luận mà các chuyên gia rút ra được từ phân tích lạnh lùng này không thể cực đoan hơn: Nếu dân số giảm đi hàng triệu người thì lại có thể đạt mức dư thừa lương thực như cũ. Không phải ngẫu nhiên mà năm 1941, Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Joseph Goebbels đã tuyên bố, mục đích thực sự của cuộc tấn công vào nước Nga là giảm 30 triệu người.

Vũ Long (tổng hợp từ báo chí Đức)

Đón đọc kỳ cuối: Đảo lộn cung cầu, hãm người chết đói