11:15 30/11/2011

Đức lạc quan bất chấp cuộc khủng hoảng nợ công

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu thị trường Đức GfK, bất chấp những quan ngại về cuộc khủng hoảng nợ, lòng tin người tiêu dùng Đức sẽ vẫn tăng nhờ việc làm và lương tăng, trong khi chi tiêu của các hộ gia đình dự kiến sẽ vẫn ổn định trong dịp Giáng sinh năm nay.

 Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu thị trường Đức GfK, bất chấp những quan ngại về cuộc khủng hoảng nợ, lòng tin người tiêu dùng Đức sẽ vẫn tăng nhờ việc làm và lương tăng, trong khi chi tiêu của các hộ gia đình dự kiến sẽ vẫn ổn định trong dịp Giáng sinh năm nay.

Chỉ số lòng tin người tiêu dùng của GfK được dự báo sẽ tăng từ mức 5,4 điểm trong tháng 11 lên 5,6 điểm trong tháng 12.

Người dân mua sắm chuẩn bị đón Lễ Giáng sinh và Năm Mới tại Hội chợ Mùa Đông ở Berlin (Đức) ngày 29/11.  Ảnh: AFP-TTXVN

Trong một cuộc khảo sát riêng biệt khác, GfK nhận thấy người Đức có kế hoạch chi khoảng 13,7 tỷ euro (18,3 tỷ USD) tương đương 241 euro bình quân đầu người để mua quà tặng Giáng sinh năm nay, chỉ ít hơn chút ít so với năm ngoái.

Chỉ số lòng tin trên được dựa trên kết quả thăm dò ý kiến của khoảng 2.000 hộ gia đình về dự kiến cho việc chi tiêu và dự báo về nền kinh tế trong những tháng tới.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng 2,4% trên cơ sở 12 tháng trong tháng 11, so với mức 2,5% của tháng 10. Trước đó, tỷ lệ lạm phát của nước này đã lên tới 2,6% trong tháng 9, mức cao nhất ở Đức trong vòng 3 năm qua.

Theo dự báo của Liên đoàn các nhà xuất khẩu Đức (BGA), xuất khẩu, động lực của nền kinh tế nước này, sẽ tăng 12,0% trong năm 2011 so với năm ngoái, đạt hơn một nghìn tỷ euro (1,34 nghìn tỷ USD), nhưng dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm tới, chỉ đạt 6,0%, với kim ngạch 1,14 nghìn tỷ euro.

Chủ tịch BGA Anton Boerner cho rằng các thị trường đang nổi sẽ vẫn là những thị trường lớn đối với các nhà xuất khẩu Đức, bất chấp thương mại toàn cầu dự kiến tăng trưởng chậm lại trong những tháng tới do cuộc khủng hoảng nợ Eurozone và sự u ám của kinh tế Mỹ.

Những thị trường này bao gồm không chỉ những nước khổng lồ đang nổi là Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc mà còn cả những thị trường đang tăng trưởng nhanh như Inđônêxia, Arập Xêút, Pêru và Êquađo. Tuy nhiên, ông này cảnh báo rằng do 60% hàng xuất khẩu của Đức hiện được xuất sang các đối tác thương mại láng giềng nên nếu cuộc khủng hoảng Eurozone tiếp tục xấu đi, mọi dự báo trên sẽ không còn giá trị.


Hải Yến (Theo AFP)