05:09 17/05/2019

Đức, Hà Lan ngừng các sứ mệnh tại Iraq báo hiệu điều gì?

Đức và Hà Lan quyết định ngừng nhiệm vụ đào tạo binh sĩ Iraq, chỉ vài giờ sau khi Mỹ tuyên bố rút các nhân viên chính phủ không làm nhiệm vụ khẩn cấp. Giới phân tích đã đưa ra nhận định về những diễn biến này, đặc biệt trong thời điểm căng thẳng gia tăng với Iran.

Chú thích ảnh
Đức và Hà Lan đã ngừng sứ mệnh đào tạo binh sĩ Iraq, không lâu sau khi Mỹ quyết định rút các nhân viên chính phủ không làm nhiệm vụ khẩn cấp. Ảnh: Reuters

Ngày 15/5, Mỹ thông báo sơ tán một bộ phận nhân viên tại Đại sứ quán ở Baghdad và lãnh sự quán ở Erbil do “căng thẳng leo thang” trong khu vực. Chỉ vài giờ sau đó, Đức và Ha Lan công bố ngưng đào tạo binh sĩ Iraq.

Kênh RT (Nga) cho biết những động thái này có thể là dấu hiệu cho thấy Mỹ chuẩn bị trước cho khả năng xảy ra bất ổn hoặc thay đổi về tình hình an ninh tại Iraq.

Lường trước bất ổn

Cố vấn chính sách tại Hội đồng Thông tin An ninh Mỹ - Anh, ông Ted Seay, cho rằng những diễn biến gần đây báo hiệu Nhà Trắng đang chuẩn bị trước cho khả năng xảy ra bất ổn trong khu vực. Ông Ted Seay, một nhà cựu ngoại giao của Mỹ, bổ sung: “Thời điểm duy nhất Chính phủ Mỹ từng sơ tán nhân viên ngoại giao thường bắt nguồn từ nguyên nhân họ dự đoán sẽ có bạo lực, bất ổn”.

Ông Seay cũng nhấn mạnh rằng thời điểm sơ tán nhân viên ngoại giao Mỹ cũng đáng chú ý bởi trước đó vào ngày 7/5 Ngoại trưởng Mike Pompeo bất ngờ đến thăm Baghdad và đề nghị chính quyền Iraq đảm bảo an toàn cho công dân Mỹ tại quốc gia này.

Vì cảnh giác

Nhà phân tích quân sự Kamal Amal cho rằng Mỹ đơn giản chỉ “cảnh giác” khi đưa nhân viên đại sứ quán ra khỏi Iraq bởi lo sợ lệnh trừng phạt “dồn nén” Iran có thể khiến quốc gia này trả đũa.

Tuy nhiên theo ông Amal, Mỹ chỉ dựa trên thông tin tình báo ít ỏi và khó có khả năng Iran sẽ “động tay” với Mỹ. Nhà phân tích Amal còn cho rằng khó có thể nắm bắt chiến thuật của Washington bởi Ngoại trưởng Pompeo có thể phát biểu một đằng nhưng sau đó Nhà Trắng cùng Lầu Năm Góc lại nói một nẻo.

Thiếu lòng tin với Iraq

Ông Ammar Waqqaf tại viện nghiên cứu Gnosos nhận định có khả năng Mỹ thiếu lòng tin với Iraq. Ông Waqqaf đánh giá: “Giới chức tại Iraq hiện nay và phần đông trong quốc hội đều bày tỏ ủng hộ Iran. Iran đang tạo ảnh hưởng ngày càng lớn tới Iraq”.

Tạo sự biện minh

Cựu Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông ở Đức cho biết Berlin tuy ngừng đào tạo binh sĩ Iraq nhưng vẫn rất cảnh giác về việc đi theo Mỹ và khó có khả năng sử dụng biện pháp có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ EU-Iran và giữa Đức với Iran.

Đối với việc Mỹ rút nhân viên chính phủ, ông Steinbach cho rằng Mỹ đang chuẩn bị một cái cớ cho động thái quân sự trong thời gian tới. Ông Steinbach cũng nhận định rằng trong bất cứ viễn cảnh nào, tình hình vẫn “vô cùng nguy hiểm”.

Hà Linh/Báo Tin tức