10:22 11/10/2020

Đưa vào sử dụng cống âu thuyền Ninh Quới tại Bạc Liêu

Ngày 11/10, tại ấp Ninh Lợi, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu đưa vào sử dụng cống âu thuyền Ninh Quới.

Chú thích ảnh
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắm biển đưa vào sử dụng cống âu thuyền Ninh Quới.

Dự án cống âu thuyền Ninh Quới có tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng, được xây dựng trên tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, thuộc xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, cách ngã tư Ninh Quới về hướng tỉnh Sóc Trăng khoảng 750 m.

Dự án gồm 3 công trình chính: cống âu thuyền Ninh Qưới; cống Ninh Qưới (thay thế cống Ninh Qưới cũ); đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn bờ phải kênh Ngan Dừa – Cầu Sập đoạn từ Ninh Qưới đến Bà Giòng và 8 cầu giao thông trên tuyến. Ngoài ra, gói thầu xây dựng công trình trên còn bao gồm các hạng mục như: nhà quản lý, hệ thống cấp điện vận hành, máy phát điện dự phòng, hệ thống điều khiển, vận hành và quan trắc…

Kết cấu chính của cống âu thuyền Ninh Qưới gồm: 2 cống hở ở 2 đầu và buồng âu dài 150 m; mỗi cống có 1 khoang, chiều rộng thông nước 31,5 m, cao trình ngưỡng cống (–3,6m), cao trình đỉnh tường biên (+1,7 m); cầu giao thông trên cống tải trọng 0,5HL93, rộng 5,5 m, chiều dài cầu 177 m; cửa van kiểu chữ nhân bằng thép SUS304, đóng mở bằng xi lanh thủy lực; nhà quản lý cấp III.

Cống Ninh Qưới (thay thế cống Ninh Qưới cũ): Loại cống đập trụ đỡ bằng bê tông cốt thép M300, 1 khoang cửa, chiều rộng thông nước 15 m, cửa cống kiểu của clape trục dưới bằng SUS304; cầu giao thông trên cống tải trọng 0,5HL93, rộng 5,5 m; nhà quản lý cấp IV.

Đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn bờ phải kênh Ngan Dừa – Cầu Sập đoạn từ Ninh Qưới đến Bà Giòng và 8 cầu giao thông trên tuyến dài gần 9,9 km, chiều rộng mặt đê 4,5 m; cống hộp 2 m 1 cái; 8 cầu giao thông trên tuyến tải trọng 0,5HL93, chiều rộng mặt cầu 4,5 m

Chú thích ảnh
 Cống âu thuyền Ninh Quới là công trình lớn nhất Việt Nam hiện nay, nhằm ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô giữa 3 tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Giám đốc Ban quản lí Đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Hồng Linh cho biết: Mục tiêu của dự án sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần cùng với những công trình khác đã xây dựng trong vùng chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu ổn định của các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang; điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu.

Cũng theo ông Lê Hồng Linh, về lâu dài, dự án sẽ tạo điều kiện chuyển nước ngọt phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Nam Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu; đồng thời, nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, kết hợp với phát triển giao thông trong vùng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đánh giá cao những nỗ lực của chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã góp phần cho tiến độ công trình vượt so với thời gian kế hoạch đề ra. 

Ông Dương Thành Trung cũng cho biết dự án cống âu thuyền Ninh Quới đã kiểm soát hoàn toàn sự phân ranh mặn ngọt của 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Bước đầu, Bạc Liêu đã vận hành có hiệu quả công trình này. Tỉnh này đã đưa nước mặn vào vùng nuôi tôm hơn 8.000 ha mà lâu nay là vùng khó khăn nuôi trồng thủy hải sản, cũng như đã đưa được nước ngọt về vùng sản xuất lúa của thị xã Giá Rai.

Nhật Bình (TTXVN)