06:14 27/06/2018

Đưa tiêu chuẩn truy xuất hàng hóa vào chợ đầu mối kiểm soát nguồn gốc thực phẩm

Theo ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), các chợ đầu mối hiện mới chủ yếu đảm nhận tập trung mối hàng phân phối cho các tỉnh lân cận chứ chưa kiểm tra chất lượng. Vì vậy, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia - GS1 của Việt Nam sẽ xây dựng tiêu chuẩn chung về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả nước.

Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Khu bán rau,củ tại chợ đầu mối Bình Điền, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN.

Cả nước hiện có hơn 8.500 chợ, nhưng chỉ có 83 chợ đầu mối. Một thực tế cho thấy, đại đa số các chợ này đều thực hiện phương thức giao dịch truyền thống, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa và truy xuất nguồn hàng.

Vì vậy, ông Hội cho rằng: Nguồn hàng tại một số nơi cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ về mặt an toàn thực phẩm cũng như truy nguồn gốc xuất xứ. Đa số các chợ đầu mối vẫn áp dụng phương thức giao dịch truyền thống (giao ngay) là chủ yếu. Hình thức mua bán qua hợp đồng còn ít, mua bán giao sau hay qua Internet còn hạn chế. Các dịch vụ hỗ trợ về mua bán như: Ngân hàng, bảo hiểm; giám định và kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu, dịch vụ phân loại, bao gói, bảo quản hàng nông sản; cung cấp thông tin thị trường... hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ, kể cả những chợ đầu mối nông sản quy mô lớn.

“Việc kết nối giữa chợ đầu mối và chợ dân sinh, siêu thị còn hạn chế. Ở nhiều nơi, các loại hàng hóa là rau, củ, quả phần lớn được người dân từ các tỉnh chở trực tiếp đến chợ bán. Bên cạnh đó, do còn hạn chế trong công tác khai thác thị trường, quảng bá, nên hàng hóa tại chợ đầu mối chưa cung cấp được cho siêu thị”, đại diện Vụ thị trường trong nước nói.

Đơn cử, Hà Nội có 2 chợ đầu mối đang hoạt động và 4 chợ hoạt động có tính chất đầu mối như: Chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai, chợ đầu mối Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, chợ cá Yên Sở, quận Hoàng Mai, chợ gia cầm Hà Vĩ, huyện Thường Tín, chợ hoa Quảng An, quận Tây Hồ. Nhưng theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, nhìn chung hoạt động của các chợ này chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của thành phố; nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Quy mô phân phối còn nhỏ, nên các chợ đầu mối này chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường.

Đề cập tới việc triển khai truy xuất nguồn gốc hàng hóa, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn chia sẻ: Ngành hàng kinh doanh chính tại chợ là thịt lợn và rau củ trái cây với sản lượng hàng hóa nhập chợ bình quân một ngày đêm khoảng 2.750 tấn, trong đó thịt lợn khoảng 410 - 460 tấn, tương đương trên dưới 5.000 - 6.000 con lợn, tổng doanh thu khoảng 45 - 50 tỷ đồng/ngày đêm. Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một yêu cầu cơ bản được Ban giám đốc Công ty chợ quan tâm. Chợ đang thực hiện Đề án: ‘Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn thuộc Dự án chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm của TP Hồ Chí Minh’.

Theo ông Dũng, việc truy xuất nguồn gốc đối với rau, củ quả, trái cây của 260 kios vẫn thực hiện theo phương pháp thủ công như mở sổ ghi chép hàng hóa mua vào, bán ra, tên khách hàng, địa chỉ, số điện thoại, nhưng gây khó khăn cho khách hàng muốn kiểm tra. Vì vậy, chợ đầu mối Hóc Môn đang triển khai đề án truy xuất của thành phố, có ứng dụng công nghệ cao (Te-Food).

"Đến nay, 100% thương nhân đã đăng ký tham gia đề án trên; được khám sức khỏe định kỳ; có chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Tất cả các cơ sở vật chất, xe chở thịt, trang thiết bị sơ chế, chế biến đều được vệ sinh tiêu độc khử trùng hàng ngày đúng theo quy định an toàn thực phẩm. “Mỗi thương nhân đều được Sở Công thương cấp cho một mã code để khi kích hoạt thì thông tin cá nhân sẽ được đưa lên mạng và lưu vào trong chuỗi tham gia truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Trên mỗi mảnh thịt lợn đều được đeo vòng nhận diện với đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc, khi đưa vào tiêu thụ tại chợ đều được kiểm tra, giám sát, kích hoạt của Ban an toàn thực phẩm thì mới cho vào chợ”, ông Dũng cho hay.

Đại diện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia Việt Nam cho biết thêm: Hiện đã có một số công ty có công nghệ truy xuất nguồn gốc 4.0 thực hiện ở TP Hồ Chí Minh tại nhiều chợ đầu mối đang được sử dụng công nghệ mã vạch để quản lý sản phẩm hàng hóa vào chợ. Tuy nhiên, các công ty này chưa làm theo tiểu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu, mà theo tư duy nhỏ lẻ của doanh nghiệp.

“Do vậy, sắp tới, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia - GS1 của Việt Nam sẽ xây dựng tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc để tất cả các công ty ở Việt Nam làm cùng một tiêu chuẩn. Lúc đó, các giải pháp, cơ sở dữ liệu mà các công ty này xây dựng sẽ kết nối được với nhau, khi đó giá trị mới lớn, mới tạo được hiệu quả mang tính chất quốc gia cũng như quốc tế”, ông Bùi Bá Chính, Phụ trách GS1 nói.

Khuyến khích đầu tư, liên kết chợ đầu mối

“Trong quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đã xác định những địa điểm phù hợp để xây dựng chợ. Ưu tiên các vị trí có quỹ đất phù hợp, thuận lợi kết nối giao thông đường bộ, đường thủy nội địa... khai thác được đất phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp có hiệu quả thấp có thể chuyển đổi sang đất thương mại dịch vụ. Các địa phương cần xác định rõ tính chất của từng dự án để bố trí và cấp quỹ đất phù hợp, mức giá cho thuê hợp lý, để thương nhân có thể đầu tư xây dựng chợ hiệu quả”, ông Hội nói.

Thời gian tới, các Bộ, ngành có liên quan cần hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại, trong đó có chợ đầu mối; Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản, chủ yếu là về cơ sở hạ tầng như: Chi phí đền bù, giải tỏa, san lấp mặt bằng, chi phí lắp điện nước và làm đường đi lại trong chợ.

Theo Sở Công thương Hà Nội, một số nhà đầu tư cũng đang quan tâm xây dựng chợ đầu mối như: Công ty CP Pan Asia One (Hàn Quốc) đề xuất xây dựng chợ đầu mối tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm; Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư xây dựng chợ đầu mối tại xã Yên Viên. Vingroup đang hợp tác với Tập đoàn Semmaris-Pháp nghiên cứu để đề xuất về quy mô, tinh chất...chợ đầu mối.  Vì vậy phía Bộ Công thương đã đề xuất Nhà nước cần có những cơ chế khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức đầu tư hoặc liên kết, hợp tác cùng đầu tư xây dựng và sau đó là quản lý kinh doanh khai thác chợ đầu mối; chính sách ưu tiên đầu tư phát triển cá hệ thống giao thông đường bộ kết nối chợ đầu mối với các khu, cụm cư dân; trung tâm kinh tế; vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Minh Phương/Báo Tin tức