11:23 20/11/2015

Đưa thực phẩm bẩn ra khỏi bàn ăn

Hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm, hàng trăm tấn thực phẩm “bẩn”, nhiễm hóa chất được phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây, khiến người dân thực sự hoang mang. Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian tới, ngành y tế sẽ phối hợp cùng với liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) siết chặt quản lý, tăng cường thanh, kiểm tra để đảm bảo các nguồn thực phẩm an toàn.


Tràn lan thực phẩm “bẩn”

Hà Nội vừa tiến hành kiểm nghiệm đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên 63 mẫu rau quả, 30 mẫu thịt lợn và 30 mẫu thịt gà. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy có 14/63 mẫu rau quả (hơn 22%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép; hơn 3% thịt lợn có dư lượng Sulfadimidine, là chất kháng sinh kích thích tăng trọng, vượt mức giới hạn cho phép và 10% mẫu thịt lợn chứa chất cấm... Còn tại xã Trà Vong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh hơn 500 con lợn không được xuất chuồng vì bị phát hiện dư lượng chất tạo nạc sabultamol trong nước tiểu vượt quá mức cho phép. Trước đó, vụ hơn 6 tấn nội tạng động vật trong quá trình phân hủy, được ướp lạnh, vận chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ bị bắt giữ tại Quảng Xương, Thanh Hóa... Nếu không bị kiểm tra, bắt giữ, chắc chắn số thực phẩm “bẩn” này sẽ lại tràn vào các chợ, các cửa hàng ăn uống, mà người ăn không hề hay biết.

Kiểm tra nước tiểu của lợn để phát hiện chất cấm trong nuôi trước khi xuất chuồng.

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang rất đáng lo ngại, thống kê trong 10 tháng có đến 10% mẫu rau, củ, quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép. Nhiều vụ việc về thực phẩm “bẩn” đã gióng lên hồi chuông báo động về sức khỏe người dân. Những nguồn thực phẩm không an toàn đang ngày ngày len lỏi vào từng bữa ăn, gây nguy hại đến sức khỏe người dân. Đây cũng chính là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc, ngộ độc tập thể xảy ra thời gian gần đây.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thống kê, trong 10 tháng qua, cả nước có 150 vụ ngộ độc thực phẩm, với số lượng người mắc trên 4.070 người, 21 người đã tử vong.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do những người sản xuất thực phẩm chỉ nghĩ đến lợi nhuận, sử dụng các chất độc hại để kích thích tăng trưởng cho vật nuôi, cây trồng, sử dụng hóa chất để “đánh lừa” người tiêu dùng; mà không nhận thức được hậu quả nguy hại của thực phẩm không an toàn. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về ATTP chưa chặt chẽ, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

Tăng cường thanh kiểm tra

Trước tình hình thực phẩm “bẩn”, sử dụng hóa chất độc hại tràn lan, liên ngành VSATTP tiến hành triển khai đợt cao điểm hành động năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 10/2015 cho đến hết tháng 2/2016. Mục tiêu đặt ra là kiên quyết chặn dứt điểm tình trạng buôn bán sử dụng chất cấm trong chăn nuôi...

“Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành và địa phương để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa quy trình nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất thực phẩm đồng thời đẩy mạnh thanh kiểm tra các cơ sở để phát hiện và xử lý các vi phạm”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Trong đợt cao điểm này, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên ngành VSATTP và các tổ chức chính trị xã hội tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng; hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ quy định về VSATTP, phổ biến cho người tiêu dùng biết và ủng hộ sản phẩm có xác nhận, chứng nhận an toàn.

Để chủ động quản lý, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, đề nghị tăng cường triển khai các hoạt động bảo đảm vệ sinh, ATTP. Theo đó, yêu cầu Chi cục ATTP ở các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, kinh doanh thức ăn đường phố... Tập trung quản lý điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở, đặc biệt kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng nguyên liệu, sử dụng phụ gia thực phẩm. Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật, công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng... Đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân buông lỏng trách nhiệm trong quản lý, thanh tra, kiểm tra và triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm...

Trước mắt, công tác thanh tra sẽ tập trung nhắc nhở, tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở và người dân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các quy định về đảm bảo VSATTP. Trong trường hợp các cơ sở cố tình hoặc tiếp tục vi phạm sẽ bị xử phạt và 100% số tiền xử phạt sẽ được giữ lại tại địa phương để hỗ trợ các vấn đề liên quan đến ATTP. Nếu mô hình này có hiệu quả, sẽ tiến hành nhân rộng ra tất cả các địa phương trong cả nước để tăng cường kiểm soát VSATTP, nhất là dịp cuối năm này.
Tạ Nguyên