11:17 05/11/2019

Đua nhau tái đàn khi giá lợn tăng mạnh

Nhiều hộ chăn nuôi ở Bạc Liêu có xu hướng đua nhau tái đàn nhằm đón đầu nhu cầu thị trường sử dụng tăng mạnh vào dịp cuối năm, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Chú thích ảnh
Bạc Liêu khuyến cáo người chăn nuôi thận trọng tái đàn khi giá lợn hơi tăng. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Mặc dù ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo người chăn nuôi chậm tái đàn, bởi hiện tại mầm bệnh dịch tả châu Phi còn tiềm ẩn trong môi trường và khả năng tái phát dịch trở lại rất cao, nhưng trước việc giá lợn hơi tăng mạnh trong những ngày qua, nhiều hộ chăn nuôi có xu hướng đua nhau tái đàn nhằm đón đầu nhu cầu thị trường sử dụng tăng mạnh vào dịp lễ, tết, cuối năm.

Theo ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu, hiện tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khoảng 142.000 con; trong đó mới tái đàn trên 20.000 con, số lợn tái đàn này người chăn nuôi bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Theo ông Thông, tái đàn trong thời điểm này chưa an toàn về phòng chống dịch bệnh, bởi vi rút dịch tả lợn châu Phi mặc dù đã tạm lắng, như mầm bệnh còn tiềm ẩn trong môi trường sống rất cao, ít nhất sau 3 tháng hết bệnh dịch tả lợn châu Phi mới tái đàn an toàn.

Dù đã được khuyến cáo, nhưng trước giá lợn hơi, lợn thịt tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhiều hộ đua nhau tái đàn 

Điều mà ngành thú y lo lắng ở đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi vừa qua xảy ra ở khắp 63/63 xã, phường, thị trấn của tỉnh Bạc Liêu, với số lượng lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy lên đến trên 44.000 con.

Trong khi đó, Bạc Liêu là vùng sông nước, sông ngòi chằng chịt, người chăn nuôi theo mô hình nhỏ lẻ, rải rác theo hộ gia đình, chuồng trại chăn nuôi xây dựng ven kênh rạch, không đúng kỹ thuật, ô nhiễm môi trường… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan nhanh trên diện rộng trong thời gian qua ở tỉnh này.

Hơn nữa, một bộ phận người chăn nuôi ở tỉnh này ý thức chưa cao, chăn nuôi chạy theo phong trào, giá cả thị trường… khiến đàn lợn trong những năm qua ở địa phương bị thiệt hại nặng do các loại dịch bệnh.

Để giúp người chăn nuôi đầu tư sản xuất an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế, mang tính bền vững, ngành thú ý tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh gia súc; gia cầm; chăn nuôi theo phương thức trang trại, gia trại, an toàn sinh học, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ. Cùng đó, ngành thú y tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, buôn bán vận chuyển gia súc, gia cầm xuất nhập tỉnh, buôn bán tại các chợ.

Ngành thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi nên lựa chọn con giống sạch bệnh, chất lượng, không nên tái đàn ồ ạt; trong chăn nuôi phải tuân thủ theo quy định của ngành thú y, tiêm phòng đầy đủ, đúng mũi, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo môi trường...

Huỳnh Sử (TTXVN)