06:09 02/06/2021

Đưa nhanh nguồn vốn chính sách về vùng đồi Cẩm Khê giữa đại dịch COVID-19

Nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) từ lâu đã trở thành động lực, là “điểm tựa” chắc chắn để người dân miền đất đồi huyện Cẩm Khê, (tỉnh Phú Thọ) vượt lên thoát nghèo, chủ động chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý, thâm canh ruộng vườn và trồng rừng, nâng độ che phủ của rừng lên cao.

Chú thích ảnh
NHCSXH huyện Cẩm Khê giải ngân tại điểm gia dịch xã đảm bảo yêu cầu 5K phòng dịch COVID-19. Ảnh Văn Xuân

Tại Hội nghị giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội ở huyện Cẩm Khê vừa qua, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Một trong những cách làm phù hợp, hiệu quả được đồng bào các dân tộc trên địa bàn hoan nghênh là công tác huy động, tập trung đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhưng được sự hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền, NHCSXH huyện Cẩm Khê đã thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa phòng chống dịch an toàn, vừa đảm bảo tiến độ giải ngân nhanh gọn, kịp thời, khơi thông dòng vốn, tạo điều kiện giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Giám đốc NHCSXH huyện Cẩm Khê, ông Nguyễn Văn Xuân cho biết: Huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao nên nhu cầu vay vốn chính sách của người dân rất lớn. Để thực hiện chỉ đạo của Tổng giám đốc NHCSXH và Nghị quyết của địa phương, NHCSXH Cẩm Khê đã tích cực huy động nguồn vốn, chuyển tải kịp thời mọi đồng vốn đến tận nơi ở của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay, đơn vị đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch thiết thực như thực hiện nghiêm quy định 5k do ngành y tế hướng dẫn tại trụ sở làm việc và các Điểm giao dịch; tổ chức giao dịch bù cho phiên giao dịch định kỳ bị hoãn để phục vụ ngày hội bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nhờ vậy, từng cán bộ nhân viên tín dụng chính sách luôn trong thế chủ động ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Tất cả các Điểm giao dịch xã của NHCSXH đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân vay vốn và các cán bộ đoàn thể, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đến giao dịch. Dòng chảy nguồn vốn chính sách vẫn đều đặn đến các làng quê, đến ngày 31/5/2021 đạt 521 tỷ đồng, trong đó đáng kể là nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân được trên 30 tỷ đồng, tăng 7,6 tỷ đồng so với năm 2020; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách huyện đạt 2 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch. Cùng với đó, chất lượng tín dụng cũng đảm bảo.

Kể từ khi được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn chính sách, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc miền đất đồi Cẩm Khê đổi thay từng ngày. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, xuất hiện như nuôi tôm càng xanh, mô hình chăn nuôi bò lai Shin, thâm canh chè sạch, ngô lai năng suất cao... Hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện Cẩm Khê có bước tiến mới trên con đường sử dụng vốn vay chính sách đúng mục đích, đạt kết quả, thoát cảnh nghèo khó, làm giàu chính đáng. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Dân, khu 11 xã Ngô Xá nhờ đồng vốn chính sách tiếp sức lập xưởng sản xuất mộc gia dụng, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động tại chỗ. Hay như vợ chồng anh Phú - chị Nhẫn ở khu 7 xã Cấp Dẫn vay 80 triệu đồng của NHCSXH huyện đầu tư nuôi 50 con lợn thịt và 200 con gà đẻ trứng, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm…

Nguồn vốn chính sách đã giúp bộ mặt vùng đất đồi Cẩm Khê khởi sắc; cuộc sống đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn cũng tươi vui, no đủ hơn. Xã Tùng Khê là một xã khó khăn của huyện. Để công tác giảm nghèo của địa phương đạt hiệu quả và bền vững, Đảng bộ, chính quyền xã đã vào cuộc triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt động viên nhân dân mạnh dạn vay vốn chính sách, sử dụng vốn vay vào cải tạo toàn bộ vùng đất đồi cằn cỗi thành ruộng vườn rau xanh, quả ngọt. Hơn 20 tỷ đồng vốn vay từ NHCSXH huyện được nông dân sử dụng đầu tư mua giống, vật tư, chọn lọc để trồng su su, cà chua, rau cải theo tiêu chuẩn VietGap. Vụ thu hoạch trên 145 ha rau quả sạch của xã Tùng Khê vừa qua đạt năng suất 26 tấn sản phẩm, giá trị ngót 70 tỷ đồng, tăng 9 tỷ đồng so với cả năm 2020. Rau quả tươi, sạch đã trở thành sản phẩm chủ lực giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của người dân miền quê trung du.

Với các giải pháp huy động, tăng trưởng nguồn vốn cùng việc triển khai đa dạng các chương trình cho vay, tín dụng chính sách tiếp tục làm “điểm tựa”, “tiếp sức” trong công cuộc giảm nghèo, góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở vùng đồi Cẩm Khê, đồng thời còn là động lực quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn về dịch bệnh, thiên tai.

Đông Dư