10:14 22/10/2020

Đưa người từ 18 tuổi trở lên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp hành chính

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 22/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Gắn trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ điện, nước

Vấn đề bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận.

Các đại biểu Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang), Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp)… đề nghị không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”, vì việc tổng kết thi hành Luật cho thấy, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

Theo đại biểu Ma Thị Thúy, việc áp dụng biện pháp này sẽ dẫn đến vi phạm quyền con người và các nguyên tắc xử phạt, không phân hóa rõ ràng được trách nhiệm hành chính. Đồng thời, việc cung cấp dịch vụ điện nước thực hiện theo hợp đồng dân sự, được ký kết giữa hộ gia đình, cá nhân, tổ chức với đơn vị cung cấp dịch vụ. Việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này không thể hiện tính nhân văn và chưa thuyết phục, tính khả thi không cao, trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm quy định trong Bộ luật Dân sự.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cần thu hẹp phạm vi áp dụng và bổ sung nguyên tắc: việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

Đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) chỉ rõ, quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được chấp hành nghiêm chỉnh. Hiện nay, đã có một số biện pháp cưỡng chế nhưng căn cứ vào thực tế tại một số lĩnh vực nhất định thì các biện pháp này là chưa đủ. Vì vậy, việc bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp điện, nước là cần thiết, nhưng phải làm thận trọng và chỉ trong một số lĩnh vực.

Theo đó, chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế này trong lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường và có điều kiện, hình thức đi kèm. Tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám băn khoăn về tính khả thi vì việc ngừng cung cấp điện, nước chắc chắn có liên quan đến những người xung quanh. “Phương án này cần gắn với trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ điện, nước thì mới đảm bảo tính khả thi”, đại biểu phân tích.

Cân nhắc chặt chẽ, thận trọng

Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến đề nghị không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, mà thực hiện cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Một số ý kiến tán thành đối với việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng không quy định trong Luật này mà quy định trong Luật Phòng, chống ma túy. Một số ý kiến tán thành bỏ quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy.

Căn cứ vào ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy được quy định theo hướng cơ bản kế thừa các quy định của Luật hiện hành, đã được thực hiện ổn định từ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đến nay, đồng thời chỉnh lý để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với nội dung dự kiến sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy.

Theo đó, Luật Phòng, chống ma túy quy định tổng thể về cai nghiện ma túy, trong đó có hình thức cai nghiện bắt buộc tập trung. Đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính, được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; chỉnh lý quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp này để tránh phát sinh mâu thuẫn do dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua sau dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, dự thảo Luật bỏ quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người đã thành niên nghiện ma túy.

Đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc không bị coi là việc xử lý hành chính nên chỉ quy định trong Luật Phòng, chống ma túy mà không quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quy định như vậy góp phần bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em và người dưới 18 tuổi, phù hợp với Luật Trẻ em và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định) bày tỏ sự tán thành với đề nghị của Chính phủ và chỉ rõ, đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được quy định ngay trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo đại biểu, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với tư cách là chế tài hành chính. Còn Luật Phòng, chống ma túy quy định việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với tư cách là biện pháp quản lý. “Đã là chế tài hành chính thì phải được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính”, đại biểu chỉ rõ.

Qua nghiên cứu Điều 37 dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhận thấy, các trường hợp được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc áp dụng đối với người nghiện ma túy rộng hơn các đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Những trường hợp rộng hơn này không được coi là biện pháp xử lý vi phạm hành chính thì có thể thực hiện theo quy trình, thủ tục của Luật Phòng, chống ma túy.

Bên cạnh đó, nếu đưa một người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính thì việc quy định đối tượng, thủ tục, trình tự, thẩm quyền phải quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ, thống nhất với các biện pháp xử lý hành chính khác.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung biện pháp tạm giữ hành chính để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và quy định thời hạn tạm giữ trong trường hợp này là không quá 5 ngày kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Nơi tạm giữ là khu lưu giữ tạm thời tại cơ sở cai nghiện bắt buộc ở các tỉnh hoặc nhà tạm giữ, buồng tạm giữ hành chính.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị cân nhắc quy định này, bởi dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã bổ sung một chương về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó định nghĩa người bị coi là sử dụng trái phép chất ma túy là người có xét nghiệm dương tính với chất ma túy. Việc sử dụng chất ma túy của người đó không được pháp luật cho phép và chưa xác định được tình trạng nghiện. Điểm mấu chốt là họ chưa bị coi là người nghiện ma túy. Trong khi đó, tạm giữ người theo thủ tục hành chính là biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại của công dân, có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền cơ bản khác, do đó cần được quy định chặt chẽ, cân nhắc thận trọng.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Quốc Phòng (tỉnh Thái Bình) cho rằng để xử lý nghiêm minh, có tính răn đe và phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng xảy ra đối với người sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông, ban soạn thảo cần bổ sung hình thức xử phạt tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với hành vi vi phạm này. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nhiều nhất với hậu quả nặng nề nhất hiện nay phần lớn là do lái xe sử dụng ma túy. Quy định như vậy cũng phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp năm 2013.

Phan Phương (TTXVN)