11:13 30/11/2010

Đưa kịch múa Việt trở lại sân khấu(bài 1)

Kịch múa là loại hình nghệ thuật đỉnh cao, chuyển tải nội dung theo cốt truyện, bằng ngôn ngữ múa là động tác, điệu bộ, đội hình chuyển động trong âm nhạc, trong không gian, thời gian... và nó được ví như nhạc giao hưởng trong âm nhạc.

Kịch múa là loại hình nghệ thuật đỉnh cao, chuyển tải nội dung theo cốt truyện, bằng ngôn ngữ múa là động tác, điệu bộ, đội hình chuyển động trong âm nhạc, trong không gian, thời gian... và nó được ví như nhạc giao hưởng trong âm nhạc.

 Đã có thời, kịch múa Việt trở thành “phong trào” để các đoàn nghệ thuật khẳng định mình. Nhưng dần dần, những vở kịch múa vắng bóng dần trên sân khấu. Để đưa kịch múa trở lại sân khấu, khẳng định được vị trí của mình trong dòng chảy hiện đại và tìm lại chỗ đứng trong lòng công chúng là cả một câu chuyện dài...


Bài 1: Thăng trầm kịch múa!


Một cảnh trong vở kịch múa "Ngọn lửa Hà Thành".
Ảnh: Thanh Hà-TTXVN

Thời vàng son

Có thể gọi những năm 60 của thế kỷ trước là thời kỳ vàng son của kịch múa nước ta. Ngay từ khi mới ra đời, kịch múa Việt Nam đã có khá nhiều vở diễn có nội dung và chất lượng nghệ thuật tốt, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của hầu hết các tầng lớp khán giả.

Đã có những vở kịch múa hoành tráng như “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, “Tấm Cám”. Những tác phẩm lớn này đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Sau cao trào đó, hàng loạt vở đã ra đời như “Vượt sóng cứu dân”, “Bả khó” (chàng nghèo), “Cây đèn biển”, “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, “Rừng thương núi nhớ”, “Bà má miền Nam”, “Chị Sứ”, “Huyền thoại mẹ”... cùng tên tuổi các nghệ sĩ nổi tiếng như Thái Ly, Chu Thúy Quỳnh, Phùng Nhạn, Thanh Nga... thể hiện.

Nhà nghiên cứu Thái Phiên, Trưởng Ban lý luận Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam nhận xét: “Đó là thời hoàng kim của nghệ thuật múa Việt Nam nói chung và của kịch múa nói riêng. Khi đó, những người trong nghề chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau là thời “Người người làm kịch múa, đoàn đoàn làm kịch múa”. Các đoàn nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương đều đua nhau dựng những vở kịch múa để công diễn và họ coi đó là sự khẳng định vị thế của mình trong ngành nghệ thuật.

Theo NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, cho đến nay, ngành múa có khoảng 20 vở kịch múa đã ra đời, được công chúng đón nhận nhiệt tình, có những vở giành từ Giải thưởng Hồ Chí Minh đến giải thưởng của ngành, giải thưởng văn học nghệ thuật trong nước...

Những bước thăng trầm

Nghệ thuật múa nói chung, kịch múa nói riêng bắt đầu thoái trào từ khi xóa bỏ bao cấp, các đoàn nghệ thuật đi vào hoạt động nhỏ lẻ, nhạc nhẹ, nhạc sến lên ngôi, nghệ thuật múa trở nên lép vế bởi không được đầu tư đích đáng, không thể nuôi nổi... Mặc dù vẫn có một vài đơn vị cố gắng “xoay sở” để dựng kịch múa như Thanh Hóa dựng vở “Đốm lửa hang Treo”, Cao Bằng dựng vở “Kim Đồng”... nhưng đó đều là những vở được dựng để diễn trong những chương trình kỷ niệm lớn.

Từ sau năm 1985, ngoài 4 vở ba lê kinh điển nước ngoài do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dựng thành công gồm: “Hồn ma trinh nữ”, “Spactacut”, “Cô tiểu thư và chàng du đãng” và đỉnh cao là vở ba lê “Hồ thiên nga” - kiệt tác về kịch múa thế giới về nghệ thuật biểu diễn (được dựng năm 1995), sân khấu múa rơi vào cảnh lao đao. Múa bắt đầu du nhập nhiều loại hình múa hiện đại, múa tính cách của các nước trong khu vực châu Á, rồi Ấn Độ, Pháp... thoảng hoặc vẫn có những vở lớn ra đời, nhất là trong những dịp lễ lớn, nhưng dường như chưa đủ sức để khẳng định nền kịch múa. Ngành múa đi vào giai đoạn thoái trào và mất phương hướng.

Phải đến hơn chục năm sau (năm 2006) kịch múa lại trỗi dậy với việc Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã dàn dựng và ra mắt 4 vở kịch múa hoành tráng với kinh phí lớn là: “Chuyện tình non sông”, “Một thời và mãi mãi”, “Đất nước”, “Nguồn sáng”. Rồi đến năm 2010, công chúng yêu mến môn nghệ thuật đỉnh cao này lại có dịp được “mãn nhãn” với 2 vở kịch múa mới được công diễn là “Ngọn lửa Hà thành” (tại Hà Nội) và vở “Mặt trời trong tim” (tại TP Hồ Chí Minh). Con số này lẽ ra là 4 vở, nhưng do một vài lý do mà 2 vở “Mệnh trời tình đất” (Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đầu tư) và vở “Thăng Long - Hồ Chí Minh” (Ban Tuyên giáo Trung ương đầu tư) chưa ra mắt được trong năm nay.

Phương Lan

Bài 2: Để kịch múa Việt phát triển: Cần sự đầu tư đích đáng!