08:08 09/08/2012

Đưa khoa học công nghệ lên Tây Bắc

Vùng Tây Bắc bao gồm 12 tỉnh phía Bắc, 21 huyện phía tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay Tây Bắc vẫn còn là vùng đặc biệt khó khăn...

Vùng Tây Bắc bao gồm 12 tỉnh phía Bắc, 21 huyện phía tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay Tây Bắc vẫn còn là vùng đặc biệt khó khăn đang đối diện với nhiều bài toán phát triển. Để vùng Tây Bắc phát triển bền vững, các địa phương trong vùng rất cần một chương trình tổng thể mang tính quốc gia, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất và đời sống để Tây Bắc đi lên, mở lối thoát nghèo.


Những tồn tại hiện hữu


Vùng Tây Bắc có tiềm năng lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống gắn bó lâu đời và là căn cứ địa cách mạng, an toàn khu của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.


Xây dựng vùng Tây Bắc vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng lâu dài của đất nước.


Sau nhiều năm thực hiện đề tài “Khảo nghiệm tập đoàn nho và cây ăn quả ôn đới” trong chương trình hợp tác giữa vùng Aquitaine (Pháp) và tỉnh Lào Cai, kết quả trồng thử nghiệm tại Trại rau quả Bắc Hà và Vườn Tả Phìn (Sa Pa) cho thấy: Đối với tập đoàn nho, đã lựa chọn được 3 giống nho. Ảnh: Thu hoạch nho giống Chambourcin tại trại rau quả Bắc Hà Ảnh: Trần Tuấn - TTXVN


Tuy nhiên, hiện nay Tây Bắc lại là một trong những vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp hai lần tỷ lệ chung của cả nước (29,5%). GDP bình quân đầu người thấp và chỉ đạt 12,2 triệu đồng/năm và đang phải đương đầu với nhiều bài toán phát triển bền vững có độ phức tạp cao.


Lý giải về việc này, GS Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Nguyên nhân chính là do quy hoạch phát triển của từng địa phương và từng ngành còn thiếu cơ sở khoa học, thiếu tính thực tiễn, tính khả thi thấp. Đặc biệt, còn mang tính biệt lập của từng địa phương hoặc từng ngành do không được đặt trong tư duy tổng thể, liên vùng, liên ngành, trong bối cảnh chung của cả nước và của khu vực, theo định hướng phát triển bền vững.


Thực tiễn cho thấy, phát triển của toàn vùng đến nay vẫn xoay quanh một trục theo chiều dọc, nghĩa là theo các tuyến giao thông chủ yếu nối các tiểu vùng của Tây Bắc với châu thổ Bắc bộ và thủ đô Hà Nội, trong khi trục phát triển theo chiều ngang rất yếu. Đây là “di sản” của phương thức tổ chức lãnh thổ để lại từ thời Pháp thuộc và của tư duy quy hoạch phát triển biệt lập.


Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho thế mạnh và nội lực trong vùng và liên vùng không được phát huy, cho nên Tây Bắc luôn là vùng nghèo nàn, lạc hậu, lệ thuộc nặng nề vào các nguồn lực đầu tư phát triển từ trung ương và từ bên ngoài. Quan trọng hơn cả là nguồn nhân lực vùng Tây Bắc vừa thiếu về số lượng, vừa yếu kém về chất lượng. Toàn vùng chỉ có 30,49% nguồn nhân lực đã được đào tạo, nhưng chủ yếu ở trình độ học nghề, sơ cấp.


Nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó cán bộ kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên chưa đạt 10%. Và đây cũng là một trong những vùng mà các thế lực thù địch tập trung chống phá, gây mất ổn định, là địa bàn nóng bỏng nhất về an ninh, quốc phòng.


Cùng quan điểm này, ông Hoàng Ngọc Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng thừa nhận: “Lực cản lớn nhất của vùng Tây Bắc là nguồn lực con người. Tây Bắc nói chung, Bắc Kạn nói riêng vốn là vùng khó khăn nhất cả nước, ngoài vị trí địa lý không thuận thì nguồn lực, trình độ dân trí không đồng đều, giáo dục đào tạo chậm phát triển. “Dân trí” như vậy thì “quan trí” cũng vậy. Kết quả giảm nghèo, tình hình phát triển kinh tế - xã hội mới chỉ thỏa mãn những gì có hôm nay, chứ không phải là cái bà con cần”.


Cơ hội để Tây Bắc phát triển


Ông Bùi Thanh Thu, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết: Mặc dù được Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhưng hiệu quả của các dự án, chương trình đầu tư phát triển trong vùng chưa cao.


Trong giai đoạn 2005-2010, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển đạt 570.544 tỷ đồng, tăng bình quân 21,6%/năm. Bên cạnh đó, từ năm 2000 đến nay, một số dự án do tổ chức quốc tế tài trợ đã được triển khai như: Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ giúp đỡ khoảng 68.000 hộ giảm nghèo và thoát nghèo (riêng giai đoạn II có nguồn kinh phí là 165 triệu USD).


Rồi dự án phát triển giao thông nông thôn miền núi phía Bắc do ADB tài trợ với tổng kinh phí khoảng 80 triệu USD, được thực hiện trong giai đoạn 2012-2017 tại các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai; dự án giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam do Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sỹ tài trợ…


Theo báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 37/NQ-TW của Ban Chỉ đạo Tây Bắc thì từ năm 2004-2010 đã có 78 dự án nghiên cứu được triển khai trong

Ông Hoàng Ngọc Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn:

Đây là cơ hội ngàn vàng cho vùng Tây Bắc phát triển và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng. Đây là lần đầu tiên toàn vùng có một chương trình khoa học tổng thể như vậy. Trong quá trình phát triển, mỗi tiểu vùng có những đặc điểm riêng. Thống nhất mục tiêu là chương trình KHCN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, trong nội hàm của nó có cả vấn đề đào tạo.

Ông Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện KHCN Việt Nam:

Để tránh việc hai cơ quan cùng trình Chính phủ một đề án, Viện KHCN Việt Nam xin phép không trình đề án “Chương trình KHCN Tây Bắc” và ủng hộ Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện đề án này, nếu được Chính phủ phê duyệt. Viện KHCN Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các ngành chức năng và Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai đề án một cách tích cực nhất, góp phần đưa vùng Tây Bắc phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Minh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường:

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này bởi Tây Bắc có nguồn tài nguyên dồi dào, cần biến tài nguyên này trở thành tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế vùng Tây Bắc vững chắc. Bộ Tài Nguyên và Môi trường đồng tình ủng hộ chương trình có tính khả thi cao, cơ quan chủ trì là Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan sẽ phối hợp với tiềm lực sẵn có để tổ chức triển khai tốt chương trình.

Ông Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam:

Chúng tôi đánh giá cao việc đưa chương trình KHCN vào vùng Tây Bắc. Chương trình có tính cấp thiết và cũng đặt ra những thách thức to lớn. Đó chính là những cái khó khăn và phức tạp của chương trình này. Chúng tôi sẵn sàng tham gia phối hợp chặt chẽ thực hiện chương trình với trách nhiệm cao.

vùng (bao gồm cả Thái Nguyên và Bắc Giang) với tổng kinh phí gần 198 tỷ đồng. Các dự án nghiên cứu này chủ yếu do các Sở KHCN và một số cơ quan khoa học trong vùng thực hiện. Bên cạnh đó còn có hàng chục dự án điều tra cơ bản và hàng trăm đề tài nghiên cứu do các trường đại học và các viện nghiên cứu thực hiện.


Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư toàn vùng thấp, kinh tế, xã hội phát triển thiếu bền vững mà nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là hàm lượng chất xám trong đầu tư phát triển còn thấp.


Năng lực và mức độ hấp thụ công nghệ và chuyển đổi sinh kế của cư dân và doanh nghiệp trong vùng còn rất thấp. Đó chính là lý do mà Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Bắc xây dựng chương trình nghiên cứu, ứng dụng KHCN phát triển bền vững vùng Tây Bắc.


Đến nay, chưa có một chương trình nghiên cứu tổng thể ở quy mô cấp quốc gia về toàn bộ vùng Tây Bắc theo hướng tiếp cận liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển bền vững của vùng và các tiểu vùng.


Toàn vùng chưa có bộ cơ sở dữ liệu cấp quốc gia về hệ thống thông tin đáng tin cậy, được tổ chức khoa học cung cấp luận cứ cho quá trình hoạch định và thực thi các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của cả vùng. Còn thiếu các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao nhằm tạo ra và chuyển giao các mô hình và giải pháp KHCN phục vụ nhu cầu phát triển bức thiết của cả vùng.


Đây cũng chính là lý do cần có những nghiên cứu, chuyển giao mô hình, công nghệ và giải pháp phát triển cho vùng Tây Bắc theo nguyên tắc phát triển bền vững, tích hợp các nguồn ngoại lực với thế mạnh nội lực trong vùng tạo thành xung lực phát triển mạnh, bền vững của cả vùng.


Ông Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Để đảm bảo tính ứng dụng cao, sát hợp với yêu cầu thực tiễn vùng và các tiểu vùng, trong Chương trình nghiên cứu, ứng dụng KHCN phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ đưa ra 11 nhóm sản phẩm.


Trong đó, đáng chú ý là nhóm các mô hình phát triển bền vững và giải pháp công nghệ được chuyển giao, triển khai, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp và mô hình phát triển bền vững vào thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của vùng và các địa phương trong vùng.


Các công nghệ và mô hình này đều được lựa chọn, phát triển trên cơ sở yêu cầu mang tính “đặt hàng” của các cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và địa phương, trực tiếp hướng vào việc tháo gỡ những khó khăn, giải phóng các nguồn lực và nâng cao năng lực sản xuất và tổ chức chuyển đổi sinh kế của người dân và doanh nghiệp trong vùng.


Dự kiến, kinh phí thực hiện chương trình trong 5 năm (2012-2017) là 500 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của ngân sách nhà nước. Sau khi được Thủ tướng phê duyệt về chủ trương và nội dung thực hiện chương trình, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, xác định và quyết định phê duyệt nhiệm vụ cụ thể trong từng năm kế hoạch. Trong đó có nội dung dự toán kinh phí thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể để tổng hợp vào kế hoạch dự toán chung hàng năm của Đại học Quốc gia Hà Nội, gửi Bộ Tài chính, Bộ KHCN thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.


Làm gì để Tây Bắc phát triển bền vững, kể cả về phương diện kinh tế, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là an ninh quốc phòng thì không có cách nào khác là cần có một chương trình toàn diện, lấy việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trọng tâm, là mục tiêu thì chắc chắn Tây Bắc sẽ vươn lên.

Viết Tôn