01:21 05/01/2012

Đưa di sản ra khỏi tàng thư

Di sản Hán - Nôm vẫn được hình dung ra là những cuốn sách đã úa màu, những mộc bản cũ kỹ đang nằm phủ bụi trong thư viện và các trung tâm lưu trữ. Nhưng chúng đa dạng hơn nhiều và có nhiều cá nhân vẫn đang “trục vớt” nó.

Di sản Hán - Nôm vẫn được hình dung ra là những cuốn sách đã úa màu, những mộc bản cũ kỹ đang nằm phủ bụi trong thư viện và các trung tâm lưu trữ. Nhưng chúng đa dạng hơn nhiều và có nhiều cá nhân vẫn đang “trục vớt” nó.

Hàng ngày, Ths Dương vẫn đến căn phòng trên gác 2 Viện Hán Nôm của mình để lặng lẽ đọc, dịch những cuốn sách Hán-Nôm về y học, về thuốc. Công việc của chị khá đơn độc. Nhưng cũng phải, bởi hầu như mỗi nhà nghiên cứu trong chặng đường đầu đều chỉ chọn một ngành mảng rất hẹp. Ths Tô Lan đồng nghiệp của chị lại chọn nghiên cứu về tuồng. Một nhóm đồng nghiệp khác của hai chị lại quan tâm đến di sản văn hóa Hán - Nôm Tày Nùng. Trong năm 2010, một bộ tuyển tập văn học của dân tộc này đã được ra mắt.

Di sản Hán - Nôm xuống đường. Ảnh : Lê Phú

Di sản Hán - Nôm chứa đựng tri thức của nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, từ giáo dục đến y học… Nó cũng nằm rải rác ở khắp nơi, trong những bộ sách lớn mà cha ông để lại, trên những câu đối của đình, chùa, hay gần hơn là trong gia phả của nhiều dòng họ. Cũng chính vì thế, một trong những việc làm thêm của cán bộ Viện Hán Nôm là dịch gia phả.

Nhìn tổng thể, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh nhận định về giá trị liên ngành của di sản Hán - Nôm: “Đó là phương tiện để ghi chép toàn bộ tri thức của dân tộc trong quá khứ, về văn hóa, văn học, lịch sử, địa lý, giáo dục, tôn giáo, tư tưởng… trong suốt một thời kỳ dài của dân tộc”.

Chính vì thế, theo ông Mạnh nếu tận dụng những ghi chép này, chúng ta có thể có nhiều ứng dụng có ích. Chẳng hạn, cha ông ta từng xây dựng quy định làng văn hóa như chúng ta đang làm hiện nay. Đó chính là những quy định của lệ làng, hương ước. Chúng được xây dựng phù hợp với tâm lý văn hóa làng, cũng là những bộ luật kinh điển. Do đó, nếu tham khảo bộ tục lệ, hương ước của làng xóm hay những văn bản điển chế thì chúng ta sẽ có những gợi ý tốt cho việc quy định làng văn hóa hiện nay.

Mặc dù vậy, cái khó là các văn bản Hán Nôm nhiều khi còn chưa được kiểm kê và khai thác hết. Chẳng hạn năm 2010, mộc bản khắc Chiếu Dời Đô đã được tìm thấy tại Trung tâm lưu trữ quốc gia. Bản khắc này đã ở đó từ lâu nhưng phải tới năm 2010 nhờ chỉnh lý mới phát hiện được.

Cũng theo ông Mạnh, việc đẩy mạnh tiếp cận kho tàng chữ Nôm hiện vẫn có những hội lưu tâm. Một trong những hội đó là Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm (VNPF) với giải thưởng Balaban được trao tặng hàng năm cho một cá nhân hay một nhóm cá nhân có đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn di sản chữ Nôm và các tư liệu Nôm cổ đã có từ một nghìn năm nay.

Năm 2009, giải thưởng này được trao cho Giáo sư Nguyễn Quang Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm vì những nỗ lực từ 1994 đến 2006, để đưa gần 10.000 chữ Nôm vào chuẩn quốc tế Unicode và ISO 10646. Cùng năm đó, giải thưởng vinh danh ông Phạm Thế Khang, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ông Khang đã góp phần tạo ra Thư viện số thức đầu tiên đối với tuyển tập 4.000 văn bản cổ Hán Nôm của Việt Nam tại Thư viện Quốc gia. Đây là thư viện số thức đầu tiên các tư liệu cổ của Việt Nam được mở rộng cho người Việt Nam và toàn thế giới đến với di sản chữ Nôm. Nhờ đó, sự thừa nhận toàn thế giới với di sản văn hoá cổ của Việt Nam được xác lập.

Rõ ràng, con đường đưa di sản Hán - Nôm ra khỏi các tàng thư đến với công chúng tuy vất vả nhưng thú vị và cũng nhiều vinh quang.

Cầm Trang