08:09 04/08/2011

Đưa dệt may trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực

Từ đầu năm đến nay, ngành dệt may Việt Nam đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ những biến động của kinh tế thế giới cũng như những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong nước như lạm phát tăng, các chi phí đầu vào cho sản xuất đều tăng cao…

Từ đầu năm đến nay, ngành dệt may Việt Nam đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ những biến động của kinh tế thế giới cũng như những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong nước như lạm phát tăng, các chi phí đầu vào cho sản xuất đều tăng cao… Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn được xác định là ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của đất nước trong trước mắt và lâu dài.

Năm 2011, xuất khẩu dệt may đạt13 tỷ USD

Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, xuất khẩu (XK) dệt may toàn ngành 6 tháng đầu năm đạt 6,16 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2010; riêng tháng 6 XK đạt 1,15 tỷ USD, tăng 11% so với tháng 5. Với tốc độ này, XK dệt may có khả năng đạt 13 tỷ USD trong năm 2011.

May hàng xuất khẩu tại Tổng công ty Dệt may Gia Định. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN


Theo quy hoạch định hướng đầu tư phát triển từ nay đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2020, với mục tiêu phát triển ngành dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về XK và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tiêu dùng trong nước. Trong giai đoạn này, dệt may vẫn là ngành công nghiệp XK chủ lực, tạo nhiều việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội khác, cần được ưu tiên phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đảm bảo tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững, hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng dệt may bình quân hàng năm đạt từ 12 - 14%; tăng trưởng XK hàng năm tăng 15%. Đến năm 2015: Sản lượng sợi đạt 500.000 tấn/năm; vải dệt đạt 1,5 tỷ m2; sản lượng may đạt 2,82 tỷ sản phẩm; kim ngạch XK đạt 18 tỷ USD và tạo việc làm cho 2,75 triệu lao động. Đến năm 2020: Sản lượng sợi đạt 650.000 tấn/năm; vải dệt đạt 2 tỷ m2; sản lượng may đạt 4 tỷ sản phẩm; kim ngạch XK 25 tỷ USD và tạo việc làm cho 3 triệu lao động.

Những định hướng dài hạn

Phát triển dệt may phải gắn với tổng thể chiến lược phát triển công nghiệp chung của cả nước và đặt trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập và hợp tác quốc tế. Phát triển theo hướng đa dạng hóa sở hữu, đa dạng hóa quy mô và loại hình doanh nghiệp; huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển. Đầu tư phát triển dệt may theo hướng chuyên môn hóa; sử dụng công nghệ mới, hiện đại, để tạo bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm. Phát triển dệt may đồng thời phải gắn với bảo vệ môi trường và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Vinatex đang nghiên cứu chọn lựa một số địa phương có khả năng đầu tư các nhà máy sản xuất, các cụm công nghiệp dệt may từ nay đến năm 2020, bao gồm: Trung du phía Bắc: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ; Bắc Trung bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị; duyên hải miền Trung: Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên; đồng bằng sông Cửu Long: Tiền Giang, Đồng Tháp; Đông Nam bộ: Tây Ninh. Các địa phương được quy hoạch làm vùng nguyên liệu, bao gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Nam, Điện Biên, Sơn la.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, các mặt hàng chủ lực của ngành dệt may vẫn là các sản phẩm truyền thống, như: Nguyên liệu bông, xơ sợi tổng hợp, sợi các loại, vải dệt thoi, dệt kim và các sản phẩm may mặc. Tuy nhiên, căn cứ vào thế mạnh hiện nay, ngành dệt may ưu tiên tập trung phát triển sản xuất XK để tận dựng cơ hội thị trường; tích cực thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh từ gia công sang FOB, hướng tới mục tiêu bán sản phẩm bao gồm cả thiết kế (ODM) khoảng 20% vào năm 2020. Trong giai đoạn này, ngành cũng ưu tiên phát triển cây nguyên liệu (trọng tâm là cây bông), xơ sợi tổng hợp và phụ liệu đồng thời đầu tư các nhà máy kéo sợi sản xuất vải và phụ liệu phục vụ may XK…

Toàn quốc hiện có hơn 3.700 doanh nghiệp dệt may được phân bố không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố và các vùng, miền. Trong đó phần lớn tập trung tại các thành phố lớn, đặc biệt là ở TP.HCM và Hà Nội. Với mức thu nhập bình quân 2.500.000 đồng/tháng/người, công nhân ngành dệt may tại thành phố lớn đang có khuynh hướng chuyển về làm ở các địa phương để giảm chi phí sinh hoạt. Để giải quyết vấn đề thiếu lao động ngành dệt may tại các thành phố, ngoài các nỗ lực của doanh nghiệp như tăng lương, tăng phúc lợi cho người lao động, việc đầu tư các nhà máy dệt may tại các địa phương là thực sự cần thiết trong chiến lược phát triển bền vững của ngành dệt may.
 
Lê Bá Lư