04:20 26/04/2021

Đưa Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thành bệnh viện hạng đặc biệt vào năm 2023

Khẩn trương đưa Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thành bệnh viện hạng đặc biệt vào năm 2023, đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 26/4.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Y tế coi Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là những cơ sở y tế trọng điểm chuyên sâu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là nhiệm vụ chuyên môn. Do đó, trong tiến trình phát triển phải sớm đưa Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thành bệnh viện hạng đặc biệt vào năm 2023.

“Giám đốc Bệnh viện cho biết, theo kế hoạch phát triển đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc đưa Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thành bệnh viện hạng đặc biệt. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu năm 2023 phải hoàn thành, phải tăng tốc việc này, không thể kéo dài thêm. Chúng ta phải nỗ lực, thực hiện tất cả các giải pháp để chăm sóc sức khỏe người dân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tốt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Để đạt tiến độ này, Bộ trưởng yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phải rà soát lại về nhân lực chất lượng cao và nhu cầu phát triển để có kế hoạch đào tạo, thu hút nhân lực. Đồng thời, Bệnh viện rà soát lại tất cả những kỹ thuật chuyên môn sâu để có kế hoạch đào tạo, tiếp nhận chuyển giao… nhằm thực hiện được ít nhất 95% kỹ thuật chuyên sâu so với Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo tại buổi làm việc, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, tổng số khám chữa bệnh năm 2020 của Bệnh viện là hơn 488.000 lượt người. Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 67.918 lượt. Tổng số ca phẫu thuật là 21.983 ca, trong đó phẫu thuật loại đặc biệt và loại I chiếm 71%. Tỷ lệ thực hiện dịch vụ kỹ thuật trong phạm vi phân tuyến theo Thông tư 43 và 50 của Bộ Y tế đạt 82,7%. Năm 2020, Bệnh viện triển khai thêm 43 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới. Ngày điều trị trung bình của người bệnh nội trú là 6,6 ngày (giảm 2,4 ngày).

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm hỏi cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. 

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã nhận chuyển giao thành công kỹ thuật phẫu thuật tim hở và đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn từ Bệnh viện Chợ Rẫy, có thể thực hiện độc lập các trường hợp phẫu thuật tim. Bệnh viện cũng đã thực hiện nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu trong điều trị các bệnh lý về tim mạch (đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, can thiệp mạch vành); can thiệp mạch não, mạch tạng, nút mạch cầm máu dưới DSA đã được triển khai thường quy; các phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật thần kinh-sọ não cũng đã triển khai tại đây.

Với sự hỗ trợ về chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã triển khai được kỹ thuật ECMO (là kỹ thuật hồi sức đặc biệt, sử dụng vòng tuần hoàn và trao đổi khí bên ngoài cơ thể để hỗ trợ chức năng sống tạm thời cho bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng trong khi chờ cơ quan tim phổi bị tổn thương hồi phục). Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng đã tham gia vào hệ thống ghép tạng quốc gia, đưa ê-kip phẫu thuật lấy và ghép, bác sỹ nội thận học tại Bệnh viện Chợ Rẫy, xây dựng đề án trình Bộ Y tế triển khai kỹ thuật ghép thận tại bệnh viện, đang chỉnh sửa và chờ thẩm định...

Tin, ảnh: Ánh Tuyết (TTXVN)