11:18 20/11/2020

Đưa Amiăng trắng vào danh sách chất độc hại

Ngày 20/11, Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn tổ chức hội thảo “Đưa Amiăng trắng vào danh sách chất độc hại và dán nhãn các vật liệu có chứa amiăng tại Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh hội nghị. 

Đây là hoạt động thiết thực, bổ ích để các cấp, ban, ngành của tỉnh Bắc Kạn có dịp trao đổi, tìm hiểu sâu hơn về amiăng cũng như tác hại của amiăng trong một số vật liệu, sản phẩm mà người dân Bắc Kạn đã và đang sử dụng. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), amiăng kể cả amiăng trắng là một trong những chất gây ung thư, nhất là ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi amiăng, ung thư vòm họng và ung thư buồng trứng. Trên thế giới, mỗi năm có trên 100.000 người chết, 1,5 triệu người mắc các chứng bệnh nan y, trong đó 80% là do amiăng gây ra. 

Để phòng tránh độc hại của amiăng đối với sức khỏe cộng đồng, ngày 1/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, trong đó giao cho Bộ Xây dựng “Nghiên cứu, xây dựng phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025”. Theo đó, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”. 

Theo ông Đỗ Văn Đại, chuyên viên cao cấp tại Viện tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, tại Việt Nam, amiăng trắng có mặt ở vật liệu xây dựng như tấm lợp fibro xi măng, đường ống xây dựng, thiết bị điện, amiăng trắng còn xuất hiện trong công nghiệp hàng không, đóng tàu, công nghiệp dược và ở các sản phẩm chịu ma sát như má phanh, miếng đệm… Gần 80% lượng amiăng trắng nhập khẩu tại Việt Nam dùng để sản xuất tấm lớp amiăng - xi măng. Khoảng 15% amiăng trắng nhập khẩu được sử dụng trong công nghiệp phân lân nung chảy, sản xuất má phanh.  

Amiăng xâm nhập vào cơ thể người và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi có chứa amiăng phát tán trong môi trường. Người tiếp xúc với amiăng thường phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu, từ 20 - 30 năm, thậm chí lâu hơn, nên thường đến khi người lao động, người dân phơi nhiễm với amiăng (trong lao động và đời sống) nghỉ hưu mới mắc các bệnh liên quan tới amiăng…

Các công việc phát sinh bụi chủ yếu trong quy trình sản xuất tấm lợp fibro xi măng có chứa amiăng như xé bao, nghiền, trộn; khoan, nổ mìn… hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá dỡ, đập các tấm lợp fibro xi măng có chứa amiăng, vật liệu có chứa amiăng, sử dụng các vật liệu có chứa amiăng để làm đường đi, đổ làm móng nhà… 

Tại hội nghị, các báo cáo, tham luận đã chỉ rõ tác hại của amiăng trắng đối với sức khỏe của con người và các bệnh liên quan đến amiăng (đặc biệt vùng Dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa); cung cấp thông tin về các giải pháp thay thế, tình hình vận động ngừng sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam và trên thế giới.

Các đại biểu nêu giải pháp nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về tác hại của amiăng trắng tới sức khỏe, hướng bà con tới việc tìm hiểu các tấm lợp thay thế để giảm thiểu tác hại của amiăng trắng; khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, ủng hộ bà con dân tộc thiểu số có điều kiện tốt hơn để tiếp cận, sử dụng các vật liệu thay thế này; vận động dán nhãn sản phẩm có chứa amiăng tại Việt Nam. 

Tin, ảnh: Vũ Hoàng Giang (TTXVN)