02:09 15/02/2016

Du xuân chợ Viềng mua may

Chợ Viềng, phiên chợ “bán rủi mua may” năm 2016 tuy vẫn rất đông, mua bán vẫn tấp nập, nhưng không còn cảnh tắc nghẽn đến nghẹt thở như năm trước.

Như thường lệ, cứ đến đêm mùng 7, ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm, người dân khắp nơi lại đổ về chợ Viềng, phiên chợ đặc biệt và chỉ diễn ra một lần trong năm, vừa để du xuân, vừa để mua may, bán rủi, mong cho một năm mới gặp nhiều may mắn…

Đi chợ Viềng để mua may.

Năm nào cũng như năm nào, cứ đến phiên chợ Viềng là dòng người lại tấp nập từ khắp nơi đổ về Nam Định đi chợ Viềng. Ngoài chợ Viềng ở Vụ Bản (còn gọi là Viềng Phủ), Nam Định còn có phiên chợ Viềng ở Nam Trực (gọi là Viềng Chùa), cũng nổi tiếng và rất đông người đến mua sắm. Tuy nhiên, phiên chợ Viềng Phủ nổi tiếng hơn và đông người đến mua sắm hơn, bởi lẽ, chợ Viềng này được coi là chợ Viềng gốc, xuất hiện trước phiên chợ Viềng Chùa ở Nam Trực. Thêm vào đó, đầu xuân năm mới, rất nhiều du khách từ các tỉnh khác thường kết hợp du xuân, đi lễ phủ đầu năm cầu tài lộc, cầu may mắn, vừa “tiện thể” đi chợ Viềng để mua may mắn đầu năm.

Nhiều người tranh thủ đi "mua may" từ chiều mùng 7 tháng Giêng.

Mặc dù theo quan niệm, phiên chợ “mua may” này phải đến 0 giờ ngày mùng 8 tháng Giêng mới là giờ “thiêng”, nhưng rất nhiều người đã có mặt sớm hơn (từ chiều ngày mùng 7 tháng Giêng để mua bán. Nhiều du khách sau khi vào lễ đền, phủ xong, cũng tranh thủ mua đồ “lấy may” từ chiều để còn kịp về sớm, chính vì vậy, ngay từ đầu giờ chiều, việc mua bán đã diễn ra khá tấp nập.


Cũng như mọi năm, các gian hàng trong khu vực chợ Viềng chủ yếu là bán các loại hoa, cây ăn quả, cây giống, cây cảnh, đồ cổ và các loại nông cụ như dao, kéo, cày, bừa, cuốc, xẻng… một số người bày bán bật lửa, những túi gạo, túi muối nhỏ… để mang về nhà lấy may đầu năm. Với tâm lý đến chợ Viềng “mua may”, nên hầu như ai đến chợ Viềng, cũng muốn mua về cho mình một món đồ với hy vọng sẽ có một năm mới thật nhiều may mắn.

Gian hàng đồ cổ được nhiều người ghé thăm.

Một trong những lý do khiến nhiều người thích đi chợ Viềng, bởi đến đây, họ được sống trong không khí mua bán tấp nập, nhưng rất vui vẻ. Cả người mua, người bán đều có tâm lý cầu may, nên chuyện mua bán diễn ra rất thoái mái, dễ dàng. Người bán nói giá, người mua trả giá, rồi nhận được cái gật đầu nhanh chóng kèm câu nói: “Bán cho bác lấy may”…

Nông cụ cũng là một trong những mặt hàng được nhiều người tìm mua.

Giá cả các mặt hàng ở phiên chợ may mắn đầu năm cũng rất đa dạng, cây chanh, cây giống từ 5.000 -10.000 đồng, cây cảnh từ 30.000 đồng đến hàng triệu đồng, nông cụ thường vài chục nghìn… Được tìm mua nhiều nhất là các sản phẩm nông cụ như dao, kéo, lưỡi cày, lưỡi bừa, cuốc, thuổng…; các loại cây cảnh, cây thế mi ni, giống cây ăn quả, cây hoa… Một trong những “đặc sản” của chợ Viềng là thịt bê thui cũng là sản phẩm được nhiều người dân tìm mua.

Nhiều người mua bê thui để "lấy lộc".

Theo ghi nhận của phóng viên, năm nay, lượng người đến chợ Viềng tuy vẫn rất đông, nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như năm ngoái. Đến nửa đêm, thời điểm cao điểm nhất của chợ, ô tô, xe máy vẫn lưu thông, đi lại được, chỉ một vài điểm, thường là trước lối vào các cổng phủ là các phương tiện di chuyển chậm lại hoặc ùn tắc xảy ra tắc cục bộ ở một vài điểm trong một thời gian ngắn.


Theo ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, Trưởng BTC lễ hội cho biết, trước khi diễn ra lễ hội, BTC đã họp, phân công trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, đồng thời, huy động gần 400 cán bộ, chiến sỹ công an giao thông, lực lượng an ninh tham gia bảo vệ, cắm mốc chỉ giới, phân luồng giao thông, tránh để xảy ra tình trạng ùn tắc.


Bên cạnh việc cắm mốc chỉ giới, phân luồng hợp lý, thì do phiên chợ Viềng năm nay diễn ra vào đêm trước ngày đầu tiên khai xuân đi làm, nên nhiều người ở xa không tiện về, nên lượng người đổ về cũng ít hơn. 


Theo thông lệ, chợ Viềng sẽ còn kéo dài đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng (tức ngày 15/2/2016).  

Lan Phương