01:07 17/01/2020

Dù thất bại nhưng sẽ sớm trở lại

Vòng chung kết U23 châu Á 2020 đã chính thức khép lại với bóng đá Việt Nam khi các cầu thủ U23 của chúng ta đã để thua U23 Triều Tiên 1-2 (dù có lợi thế dẫn bàn trước) ở trận đấu cuối cùng bảng D tối 16/1. Với 2 trận hòa, 1 trận thua ở vòng đấu bảng, U23 Việt Nam đã chính thức bị loại. 

Với cương vị là đương kim á quân của giải, việc U23 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng khiến người hâm mộ như đứt từng khúc ruột. Hơn nữa, ở thời điểm bóng đá Việt Nam đang có bước tiến bộ đáng kể, thì việc thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam lại càng khó chấp nhận. Rất nhiều sự kỳ vọng các cầu thủ trẻ sẽ tiếp tục viết lên trang sử mới cho bóng đá nước nhà tại vòng chung kết lần này, tuy nhiên điều mong đợi đã không tới.

Vòng chung kết U23 châu Á 2020 chắc chắn sẽ là một bài học quý giá đối với bóng đá Việt Nam, nhưng hãy đừng xem đó là thất bại quá cay đắng để rồi thất vọng, quy chụp, chỉ trích các cầu thủ. Trái bóng tròn không thể nói trước được điều gì. Không chỉ U23 Việt Nam, các “cường quốc” bóng đá của châu lục, có bề dầy thành tích hơn hẳn bóng đá Việt Nam như Nhật Bản, Qatar, Iran cũng phải sớm nói lời chia tay giải. Bởi vậy, dù có chút tiếc nuối, nhưng không vì thế mà sẵn sàng đổ lỗi cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-so. Phải biết chấp nhận sự thật để đứng dậy và các nhà làm bóng đá cần coi đây là thời điểm để nhìn nhận lại, để căn chỉnh, rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết nhằm có bước đi hợp lý giúp bóng đá nước nhà phát triển bền vững, căn cơ.

Khách quan mà nói, dù không đạt được mục tiêu tại giải lần này, nhưng một sự thật không thể phủ nhận, trong hai năm trở lại đây, ở cấp độ các đội tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi: Vô địch Đông Nam Á, vô địch SEA Games, á quân giải U23 châu Á (năm 2018), đội tuyển quốc gia hiện đang dẫn đầu bảng G vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á. Có được thành công đó, trước hết là những người làm bóng đá đã xóa được tư duy chỉ chú trọng đầu tư ngọn mà quên gốc. Điều đó được chứng minh qua việc đầu tư đào tạo trẻ được đặc biệt chú trọng. 

Còn nhớ, những năm 90 của thế kỷ trước, công tác đào tạo bóng đá trẻ của Việt Nam dù nhận được sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia nước ngoài, của Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA), nhưng nội bộ chúng ta lại hết sức thờ ơ. Bởi vậy, rất nhiều chuyên gia nổi tiếng thế giới sang giúp chúng ta nhưng họ đã không trụ lại được lâu. Cụ thể, ông Klau Efbighausen (được Ủy ban Olympic Đức trả lương) sang hỗ trợ công tác tuyển chọn cầu thủ trẻ, nhưng ông bị cô lập và sớm phải trở về nước. Rồi ông Rainer Willfeld (Đức) - người được đánh giá giàu kinh nghiệm trong công tác đào tạo trẻ, nhưng chuyên gia này cũng không được giao việc, đành phải “ngồi chơi xơi nước”...

Phải khẳng định, sở dĩ bóng đá Việt Nam có được lứa cầu thủ chất lượng hiện nay, như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Đình Trọng, Tiến Linh, Đức Chinh... là sự nỗ lực lớn của ngành thể dục thể thao, của các địa phương và các câu lạc bộ trong công tác đào tạo trẻ. Bóng đá Việt Nam hiện đã có một hệ thống đào tạo trẻ, trong đó phải kể đến Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Quỹ đầu tư phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF), Hà Nội FC, Viettel, Sông Lam Nghệ An… Chính lứa cầu thủ được đào tạo từ các “lò” nói trên đã làm nên vinh quang cho bóng đá nước nhà thời gian vừa qua. 

Trong bóng đá, muốn có được một cái nền vững chắc, không thể chỉ trông chờ vào một lứa cầu thủ, mà cần có lực lượng kế cận ở nhiều lứa tuổi. Có lẽ xuất phát từ quan điểm này mà câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An, từ khi còn là đoàn bóng đá Sông Lam Nghệ An, đã hướng tới mục tiêu là phải bằng nội lực, đi bằng chính đôi chân của mình, tức là tự đào tạo cầu thủ trẻ để tồn tại và phát triển. Với câu lạc bộ Viettel, ngay trong thời gian không có đội chơi ở V.League, nhưng họ vẫn quyết tâm xây dựng trung tâm đào tạo trẻ. Kết quả là, Viettel không chỉ có đội bóng hiện chơi ở giải cao nhất trong nước, mà còn cung cấp rất nhiều cầu thủ chất lượng cho các các câu lạc bộ khác. Còn Hoàng Anh Gia Lai, cách đây hàng chục năm, “ông bầu” Đoàn Nguyên Đức đã mở lò đào tạo theo “công nghệ Arsenal” nhắm tới mục tiêu vừa “xuất khẩu” cầu thủ, vừa đảm bảo lực lượng tham gia V.League và các giải đấu quốc tế. PVF thì thuê các cựu tuyển thủ cả trong nước và quốc tế tham gia công tác huấn luyện cầu thủ trẻ theo từng khóa đào tạo, đồng thời định hình đầu ra để các cầu thủ trẻ yên tâm rèn luyện, phấn đấu… 

Nhìn vào lực lượng các đội tuyển quốc gia cũng như các câu lạc bộ chuyên nghiệp ở thời điểm hiện tại, có thể thấy phần lớn các cầu thủ đều trưởng thành từ các lò đào tạo trong nước. Nói cách khác, sở dĩ các câu lạc bộ chuyên nghiệp trụ được ở V.League trong nhiều năm qua, chính là nhờ vào hệ thống đào tạo trẻ. Ở góc độ cầu thủ trẻ, khi đã xác định theo đuổi con đường bóng đá chuyên nghiệp, họ chấp nhận mọi thử thách, nỗ lực rèn luyện để phát triển tài năng. Có lẽ, đây chính là lý do mà các giải đấu chuyên nghiệp của Việt Nam cũng như các đội tuyển ngày một nâng cao về chất lượng, gặt hái được thành công trên đấu trường Đông Nam Á và châu lục.

Những gì diễn ra trong thời gian gần đây cho thấy, bóng đá Việt Nam đã qua thời kỳ “ăn xổi”, bước đầu tạo được nền tảng làm đòn bẩy phát triển. Những người làm bóng đá đã có sự thay đổi tư duy, chọn hướng đi đúng để giúp bóng đá Việt Nam từng bước rút ngắn khoảng cách với trình độ bóng đá của các nước phát triển ở châu lục và thế giới. Ở tầm vĩ mô, quy chế bóng đá chuyên nghiệp do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ban hành, điều kiện để câu lạc bộ được tham gia giải đấu chuyên nghiệp đòi hỏi phải có trung tâm đào tạo trẻ, hoặc học viện bóng đá. Bên cạnh đó, VFF cũng mở rộng mối quan hệ với các đối tác bên ngoài, tranh thủ sự ủng hộ của FIFA trong công tác đào tạo trẻ. 

Đó là chủ trương đúng và cách làm đúng, cũng là cơ sở để người hâm mộ tin tưởng rằng, dù thất bại tại vòng chung kết U23 châu Á 2020, nhưng bóng đá Việt Nam sẽ sớm trở lại phong độ ở các giải đấu quốc tế, trước mắt là các trận đấu còn lại vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á vào cuối tháng 3 tới.

Yến Nhi