07:17 04/07/2019

Dự thảo bộ tiêu chuẩn hàng hóa 'made in Việt Nam' sẽ được lấy ý kiến dư luận

Bộ tiêu chuẩn hàng hóa 'made in Việt Nam' đang được Bộ Công Thương xây dựng sau nhiều sự việc giả mạo xuất xứ hàng hóa, trong khi thị trường nội địa chưa có tiêu chí xác định thế nào là "hàng Việt Nam".

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 4/7, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết: Tại Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ. Theo đó, quy định bắt buộc mọi hàng hoá đều phải dán nhãn. Trên nhãn đó có một số thông tin bắt buộc về xuất xứ hàng hoá...

Video ông Trần Thanh Hải nói về việc xây dựng quy định "made in Việt Nam":

Nghị định quy định các cá nhân, doanh nghiệp lưu thông hàng hoá phải tự xác định thông tin để dán nhãn hàng hoá, tự chịu trách nhiệm về ghi xuất xứ, dựa trên sự hiểu biết tốt nhất của họ, miễn là trung thực.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về tỷ lệ hàng hoá thế nào thì được gọi là xuất xứ Việt Nam hay "sản xuất tại Việt Nam". Hiện Bộ Công Thương đang soạn thảo quy định để làm rõ xuất xứ hàng hoá Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước.

"Khi có dự thảo thì sẽ công bố trên website để xin ý kiến doanh nghiệp, người dân", ông Trần Thanh Hải cho biết.

Liên quan đến nghi vấn Công ty điện tử Asanzo giả mạo xuất xứ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính làm đầu mối (bởi đây là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 về chống buôn lậu, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng) phối hợp các Bộ ngành kiểm tra xử lý và báo cáo Chính phủ.

"Bộ Công Thương đang làm việc tích cực, phối hợp với Bộ Tài chính để xác minh vụ việc này", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ, đại diện Bộ Công Thương đã giải đáp vấn đề báo chí quan tâm về việc quả tải công suất tại các nhà máy điện mặt trời.

Theo ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, với một số dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận, Bình Thuận đã phát điện trước ngày 30/6 để hưởng ưu đãi, vận hành nhưng gây quá tải cho đường dây truyền tải, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng có giải pháp giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời này.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là đầu tư lưới truyền tải tốn nhiều thời gian, có khi mất 2 năm, nhưng đầu tư nhà máy điện mặt trời lại rất nhanh, có khi chỉ 6 tháng. "Như vậy, lưới điện truyền tải không theo kịp tốc độ phát triển của nhà máy. Để giải tỏa, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng xây dựng các đường dây truyền tải điện mới. Hiện việc này gặp khó khăn về vốn đầu tư, thời gian thi công và việc đền bù giải phóng mặt bằng. Có công trình chỉ vướng 1 - 2 hộ dân mà mất cả năm", ông Hùng cho hay.

 

Hoàng Dương/Báo Tin tức