03:08 18/03/2021

Dư luận trước thềm cuộc gặp Mỹ-Trung tại Alaska

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, cuộc gặp cấp cao giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan với Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 17-18/3, tại thành phố Anchorage, bang Alaska.

Chú thích ảnh
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (phải) và ông Antony Blinken, khi giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 8/10/2015. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Đây là cuộc gặp quan trọng đầu tiên giữa hai nước dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden sau 4 năm quan hệ hai nước rơi vào mức thấp nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các hành động "ăn miếng trả miếng" trong tranh chấp thương mại cũng như nhiều vấn đề bất đồng khác.

Trước thềm cuộc gặp, một số chuyên gia nhận định tích cực khi cho rằng sự kiện cho thấy thiện chí và nỗ lực của hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới trong việc giải quyết những bất đồng trong mối quan hệ đã rơi vào "điểm đóng băng" dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Cuộc gặp là cơ hội để hai nước trước tiên giảm bớt thái độ đối đầu và mở ra triển vọng cho các cuộc tiếp xúc cấp cao nhằm tìm kiếm điểm chung, gác lại bất đồng và hướng tới cài đặt lại quan hệ song phương.

Tuy nhiên, giới chuyên gia không đặt nhiều kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được kết quả nhất định trong cuộc gặp lần này khi hai bên vẫn còn quá nhiều bất đồng cũng như sẽ giữ vững lập trường, quan điểm của mình trong nhiều vấn đề cần giải quyết.

Trước hết, Mỹ và Trung Quốc có quan điểm khác nhau ngay ở cách định nghĩa về cuộc gặp lần này. Trong khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi đây là đối thoại chiến lược cấp cao thì khi điều trần trước Ủy ban đối ngoại Hạ viện, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh đây không phải là một cuộc đối thoại chiến lược và sẽ không giống như các cuộc đối thoại chiến lược thông thường trước đây giữa Trung Quốc và Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ có nghị trình và kỳ vọng riêng về nội dung cuộc gặp. Mỹ một mặt muốn hợp tác với Trung Quốc về những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, như đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, nhưng mặt khác vẫn muốn gây sức ép với Trung Quốc về các cáo buộc liên quan tới các thương mại và công nghệ.  Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định cuộc gặp trực tiếp sẽ là "cơ hội để giải quyết một loạt vấn đề, trong đó có những vấn đề là mối bất đồng sâu sắc". 

Về phía Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc mong đợi nhất từ cuộc họp này không phải là kết quả hữu hình, mà là một khuôn khổ tổng thể và sự đảm bảo rằng hai bên có thể tiếp tục đối thoại. Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ tập trung vào định hướng chung của quan hệ song phương và muốn tìm hiểu hướng đi chung trong tương lai.

Đặng Huyền (TTXVN)