06:22 25/06/2014

Dư luận đánh giá cao việc Nga rút quyền can thiệp quân sự vào Ukraine

Quyết định của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga hủy bỏ một nghị quyết cho phép đưa quân đến Ukraine đã nhận được những phản ứng tích cực từ Ukraine và các đồng minh phương Tây của nước này.

Quyết định của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga hủy bỏ một nghị quyết cho phép đưa quân đến Ukraine đã nhận được những phản ứng tích cực từ Ukraine và các đồng minh phương Tây của nước này.

Phát biểu với báo giới tại Brussel (Bỉ) ngày 25/6, Ngoại trưởng Ukraine Paven Klimkin, đang tham dự một cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khẳng định đây là một bước đi tích cực, cần thiết và quan trọng. Chính khách này bày tỏ mong muốn Moskva có thêm những động thái tương tự, cụ thể như ủng hộ kế hoạch hòa bình của chính quyền Kiev. Ngoại trưởng Klimkin cũng nêu rõ Kiev sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn đơn phương bất chấp việc các phần tử đòi liên bang hóa vừa bắn hạ một trực thăng quân đội của Ukraine, làm 9 quân nhân thiệt mạng.

Lính biên phòng Nga gần trạm kiểm soát ở tỉnh Rostov ngày 21/6. Ảnh AFP/ TTXVN


Cùng ngày, Trung Quốc cũng hoan nghênh việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị Hội đồng Liên bang hủy nghị quyết nói trên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ Bắc Kinh hoan nghênh quyết định của Tổng thống Putin và Hội đồng Liên bang Nga cũng như các nỗ lực tích cực của các bên liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine, bày tỏ tin tưởng rằng những nỗ lực này giúp tìm ra một giải pháp chính trị.

Trước đó ít giờ cùng ngày, Hội đồng Liên bang Nga đã thông qua đề nghị của Tổng thống Putin về việc hủy bỏ một nghị quyết cho phép Moskva đưa quân đến Ukraine. Hồi tháng Ba vừa qua, cơ quan lập pháp này của Nga đã phê chuẩn đề nghị của ông Putin cho phép "sử dụng các lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ Ukraine cho đến khi tình hình chính trị xã hội ở nước này bình thường hóa". Theo Hiến pháp Nga, việc sử dụng lực lượng vũ trang của nước này ở nước ngoài chỉ đòi hỏi có sự phê chuẩn của Hội đồng Liên bang mà không nhất thiết phải có sự đồng ý của Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga.

Tuy nhiên, trong cuộc họp với các ngoại trưởng NATO ngày 25/6 tại Brussels, Tổng Thư ký tổ chức này, ông Anders Fogh Rasmussen cho rằng chưa có những chuyển biến thực sự trong thái độ của Nga đối với Ukraine, đồng thời cáo buộc Moskva "đã phá vỡ các quy định và làm xói mòn niềm tin" của cộng đồng quốc tế.


TTXVN/Tin Tức