07:07 19/07/2014

Du lịch Việt Nam vẫn đang ăn xổi

Văn hóa ứng xử là một “toa thuốc” có thể “trị bá bệnh” cho ngành du lịch nhưng đến nay vẫn chưa được sử dụng đúng mức”, ông Trần Anh Dũng, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh nhận định.

Văn hóa ứng xử là một “toa thuốc” có thể “trị bá bệnh” cho ngành du lịch nhưng đến nay vẫn chưa được sử dụng đúng mức”, ông Trần Anh Dũng, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh nhận định.

 

Theo ông Trần Anh Dũng, Việt Nam đang sở hữu một “kho báu” làm nền tảng thiết kế lên những sản phẩm du lịch đặc biệt mà nhiều quốc gia khác không có được. Ngoài những tour du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, chúng ta có nhiều di sản thế giới vật thể và phi vật thể, hơn nữa chúng ta có một nền văn hóa hết sức đặc sắc… Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nâng cao thương hiệu du lịch quốc gia thì đòi hỏi ngành du lịch cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm ra hướng đi phù hợp. Và làm thế nào để khách du lịch có ấn tượng tốt về một đất nước Việt Nam xinh đẹp, thân thiện, đậm đà bản sắc… cũng tùy thuộc vào chiến lược phát triển văn hóa, du lịch của chúng ta trong thời gian tới.

 

Khách du lịch quốc tế tự tay làm các món ẩm thực của Việt Nam tại bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN


Nhiều chuyên gia du lịch cũng cho rằng, ngoài bờ biển đẹp và những khách sạn tiêu chuẩn 5 sao vừa xây dựng, phần lớn khách du lịch đến Việt Nam hay quyết định quay trở lại đều vì sự cuốn hút đối với văn hóa Việt Nam. Không ít khách du lịch quốc tế đã chia sẻ rằng sẽ khó quên được những khoảnh khắc được thưởng thức và hòa mình vào trong sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, những giây phút dạo quanh thành phố bằng xe xích lô, hay được đón tiếp bằng một thái độ, lịch sự, chân thật của cô tiếp tân, anh hướng dẫn viên… Chính những nét văn hóa này đã góp phần quan trọng trong quá trình tiếp tục xây dựng và nâng cao thương hiệu du lịch Việt Nam.


Bàn về sự phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam, PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam nhận định, du lịch Việt Nam vẫn đang ăn xổi, có cái gì bán cái đấy. Theo ông Lương, đất nước ta mới mở cửa từ những năm 90 của thế kỷ trước, nên Việt Nam đang là một điểm đến mới so với nhiều nước khác trong khu vực. Du khách quốc tế còn đang tò mò, nên họ muốn đến khám phá Việt Nam. Tuy nhiên, sự tò mò đó cũng sẽ có giới hạn, đến một lúc nào đó, nếu chúng ta không có những sản phẩm du lịch cạnh tranh, nếu hình ảnh du lịch của chúng ta không thay đổi, thì lúc đó du lịch Việt Nam sẽ không thu hút được khách nữa.


Đồng quan điểm này, đại diện một doanh nghiệp lữ hành đã đưa ra một hình ảnh ví von hết sức thực tế: “Chúng ta đang bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của để quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm mời gọi khách đến nhà. Thế nhưng khi khách đến thì nhà cửa bề bộn, môi trường nhân văn và sinh thái chưa thật sự trong lành. Bởi thế mà nhiều du khách không muốn trở lại”. Vị đại diện doanh nghiệp này khẳng định, khi sự tò mò về một cái lạ qua đi, điều kéo người ta trở lại chính là sự thân thiện, văn hóa, hiếu khách của con người trong tiếp đãi. Lâu nay, nhiều người thường có cách hiểu rất đơn giản là bán được càng nhiều hàng càng tốt mà họ quên mất rằng, làm du lịch giống với việc tiếp khách, chỉ một sự phật ý nhỏ có thể khiến khách không muốn đến nhà mình.


Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề cập mạnh hơn đến câu chuyện sản phẩm và thị trường, và thương hiệu, còn yếu tố con người và xây dựng văn hóa du lịch chỉ được đề cập đến một cách gián tiếp. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Phạm Trung Lương thừa nhận, đó là điểm rất đáng ngại cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Chúng ta bỏ hàng đống tiền vào những chiến dịch quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, nhưng đầu tư quảng bá đến mấy mà con người không thay đổi, cách ứng xử không thay đổi thì du lịch Việt Nam sẽ khó có sự chuyển biến nổi trội.


Cũng theo ông Phạm Trung Lương, văn hóa ứng xử trong du lịch không hoàn toàn phụ thuộc vào ngành du lịch, mà do xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của cả địa phương và các bộ, ngành khác. Đơn cử, việc chèo kéo, chặt chém du khách là trách nhiệm không riêng gì của ngành du lịch, mà là của địa phương, để xảy ra lừa đảo taxi dù cũng là trách nhiệm của ngành giao thông… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân trong việc ứng xử văn hóa đối với khách du lịch.


“Để thay đổi tình trạng này, cần phải thay đổi từ con người, bắt đầu từ việc nhận thức đúng vai trò của ngành để tổ chức lại và phải có sự đầu tư thích đáng cho du lịch. Sự thay đổi này phải bắt đầu người cao nhất, từ nhận thức của người lãnh đạo, sau đó mới đến thay đổi của người dân”, ông Phạm Trung Lương khẳng định.


Phương Lan