07:12 18/07/2022

Du lịch Việt Nam: Độc đáo chợ phiên San Thàng, Lai Châu

Ai có dịp đến với Lai Châu vào thứ Năm hoặc Chủ Nhật hàng tuần đều mong muốn được đi chợ phiên San Thàng thuộc xã San Thàng, thành phố Lai Châu.

Chú thích ảnh
Khu vực chợ lợn San Thàng nhộn nhịp người bán, người mua. 
Chú thích ảnh
Khu bày bán lợn cắp nách tại chợ phiên San Thàng. 
Chú thích ảnh
Khách chọn mua những con lợn ưng ý. 

Tới đây, du khách sẽ được khám phá, tìm hiểu đa dạng sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa. Đặc biệt, khách du lịch sẽ bất ngờ với những con lợn cắp nách được bày bán tại chợ.

Chợ phiên San Thàng không biết có từ bao giờ. Vào mỗi phiên chợ, bà con tới chợ từ rất sớm, mang theo những sản vật của núi rừng hoặc những sản phẩm thủ công truyền thống. Chợ bán đủ các mặt hàng từ cái kim, sợi chỉ cho đến mớ rau, củ khoai, củ sắn, những sản phẩm thiết yếu cho gia đình và các món ăn mang đậm nét văn hóa của người Giáy, Mông. Nhưng độc đáo hơn cả chính là khu bán lợn cắp nách.

Tại một sân nhỏ trong chợ, mỗi phiên có khoảng 50 đồng bào, chủ yếu là dân tộc Mông, mang hơn 100 con lợn cắp nách tới bán. Chị Thào Thị Pha, người dân tộc Mông ở bản Sùng Phài, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu phấn khởi chia sẻ: Chị bán lợn cắp nách đã được hai năm nay. Phiên này chị mang 10 con lợn đi bán. Chị thường mua lợn của người dân trong bản và được du khách rất ưa chuộng.

Anh Sùng A Chía, người dân tộc Mông, ở bản Sùng Chô, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu cho biết: Một tuần, anh mang lợn đi bán vào ba ngày họp chợ. Có ngày anh bán được hết số lợn mang đi (từ 6 - 7 con) nhưng cũng có ngày chỉ bán được một nửa. Hầu hết những con lợn này đều được gia đình anh nuôi hoặc mua của bà con trong bản mang đi bán để có thêm thu nhập cho gia đình.

Chú thích ảnh
Giống lợn đen được mang bán tại chợ phiên San Thàng. 
Chú thích ảnh
Mua bán lợn cắp nách tại chợ phiên San Thàng. 
Chú thích ảnh
Một thương lái lựa chọn những con lợn ưng ý. 

Lợn cắp nách hay một số vùng gọi là lợn lửng, là loại lợn đặc sản có nhiều ở vùng cao, đặc biệt là ở Lai Châu. Loại lợn này của người dân tộc thiểu số vùng cao như: Mông, Thái, Dao... nuôi chủ yếu là chăn thả tự nhiên. Vì thế, lợn chậm lớn, trung bình chỉ từ 10 - 15kg/con; con to cũng chỉ khoảng 20kg. Do lợn không quá nặng người dân đi chợ phiên thường cho vào gùi, xách tay, cắp vào nách. Từ đó, mới có cái tên lợn cắp nách.

Lợn cắp nách được du khách ưa chuộng bởi chúng chỉ ăn cỏ cây, đi bộ nhiều, lại chậm lớn nên thịt rất thơm ngon, da giòn sần sật, hầu như không có mỡ.

Anh Nguyễn Văn Sơn, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Lai Châu là một trong những điểm đến mà gia đình lựa chọn đi du lịch trong năm nay. Đặc biệt, chợ phiên San Thàng là nơi hội tụ đầy đủ bức tranh văn hóa vùng cao. Khi về Hà Nội, anh không quên mua những đặc sản địa phương để làm quà; trong đó không thể thiếu một con lợn cắp nách để chiêu đãi bạn bè, người thân.

Bà Hoàng Thu Hạnh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Tại chợ phiên San Thàng, bà con bày bán nhiều đặc sản của núi rừng xen với sắc màu của những bộ trang phục truyền thống khiến du khách rất thích thú. Bà ấn tượng nhất là khu bán lợn cắp nách với giá trung bình từ 800 - 1,2 triệu đồng/con.

Chú thích ảnh
Người bán rất vui khi bán được lợn.
Chú thích ảnh
Người dân mua được đôi lợn cắp nách ưng ý. 

Đối với người dân Lai Châu, chợ phiên không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi hội tụ, gặp gỡ và giao lưu của đồng bào các dân tộc sinh sống quanh vùng, góp phần gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc, đồng thời tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Tin, ảnh: Nguyễn Oanh (TTXVN)