05:00 16/05/2012

Du lịch Việt Nam: Cần một “nhạc trưởng”-Bài 2: Các địa phương có tuân theo quy hoạch?

Trăn trở lớn nhất của những người làm lâu năm trong nghề du lịch là: Việc có quy hoạch du lịch là rất quan trọng, vì đó là căn cứ để kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch của từng vùng, nhưng vấn đề là việc tuân thủ quy hoạch đó ở cấp địa phương và vùng ra sao?

Trăn trở lớn nhất của những người làm lâu năm trong nghề du lịch là: Việc có quy hoạch du lịch là rất quan trọng, vì đó là căn cứ để kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch của từng vùng, nhưng vấn đề là việc tuân thủ quy hoạch đó ở cấp địa phương và vùng ra sao?

Những bài học


Nhìn nhận về hình thành điểm du lịch hiện nay, nếu ở tầm vĩ mô và so với bản quy hoạch được duyệt, những người làm lâu năm trong nghề đều nhận xét “Không tuân thủ đúng quy hoạch”. Ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: “Việc không tuân thủ quy hoạch có thể thấy rất nhiều.

 

Du khách say mê quay phim tại bãi biển hoang sơ Phú Quốc.

Điển hình là khu du lịch Tuần Châu (Hạ Long). Hồi làm quy hoạch chi tiết vùng này, quy hoạch cũng đã xác định phải làm cầu ra đảo nhưng họ lại đổ đất làm đường, tiết kiệm thì có tiết kiệm nhưng chặn dòng lưu thông khiến vùng biển nơi đây rất “tù túng”, phá vỡ dần cảnh quan môi trường dẫn đến phát triển không bền vững. Và thực tế đến nay đã chứng minh khu du lịch này không phát triển được như mong đợi”.


Hoặc như phát triển khu vực ven biển miền Trung mà cụ thể là Bình Thuận và Nha Trang (Khánh Hòa), trong quy hoạch chi tiết có chỉ ra phải làm những con đường uốn lượn ven biển và để khu vực cho người dân quanh đó có chỗ ra biển và làm ăn. Nhưng vì lợi ích cục bộ, có địa phương phân lô cho các khu dự án quay ra biển và bít hết đường của dân. Thực tế đã khiến người dân phải đi vòng, đi rất xa mới ra tới biển và xung đột lợi ích này để lâu sẽ không có lợi. Mới đây, Nha Trang (Khánh Hòa) đang tính chuyện phải di dời một khu nghỉ dưỡng nằm chắn ven biển đi chỗ khác để dành chỗ vui chơi cho người dân thành phố”.


Cũng theo ông Lương, việc không tuân thủ quy hoạch của địa phương trong việc phát triển sản phẩm cũng nhận thấy ở rất nhiều nơi theo kiểu mạnh ai đó làm. Lãnh đạo sở VH,TT&DL Thanh Hóa cho biết, khi thực hiện quy hoạch bãi biển Sầm Sơn, chúng tôi có đề xuất hình thành từng khu du lịch nhưng địa phương cho phát triển nhiều cơ sở lưu trú vừa và nhỏ. Kiểu đầu tư manh mún này đáp ứng nhu cầu lượng khách vào thời điểm những năm 1990-2000, nhưng chính kiểu phát triển đó dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, tăng giá mùa cao điểm, không đầu tư những sản phẩm du lịch mang tính dài hơi và đến nay đang là lực cản sự phát triển bãi biển Sầm Sơn thành vùng du lịch trọng điểm Bắc Trung bộ”.

 

Cần một thủ lĩnh cấp vùng


Việc thực thi các quy hoạch tại từng tỉnh và cấp vùng đang là thách thức lớn đối với ngành du lịch. Trong giai đoạn phát triển trước, các tỉnh phát triển du lịch theo kiểu mạnh ai nấy làm, tuy nhiên khi nhận ra du lịch là sản phẩm liên vùng, các tỉnh đã bước đầu ngồi lại với nhau để tính chuyện liên kết. Vướng nhất là do cùng chung điều kiện tự nhiên nên phát triển vùng của Việt Nam có những sản phẩm na ná nhau. Đơn cử như vùng duyên hải miền Trung, cùng là du lịch nghỉ dưỡng nhưng từng tỉnh phải làm gì để có sản phẩm đặc trưng. Hiệp hội phải ngồi lại với nhau để xác định khu vực này tập trung cho sản phẩm này. “Sự khác biệt trong sản phẩm chung sẽ tránh được sự trùng lặp ở các địa phương”, ông Phạm Trung Lương chia sẻ.


Trong quy hoạch mỗi vùng nên hình thành trung tâm du lịch “cực hút”. Ví dụ như ở Nam Trung bộ, thế mạnh là nghỉ dưỡng, thì hình thành tổ hợp nghỉ dưỡng biển lớn. Hoặc trung tâm đô thị lớn ở hai đầu TP.HCM và Hà Nội cần hình thành khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại lớn, phát triển loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị). Mỗi vùng nên có 1-2 trung tâm “cực hút”, để du khách đến vui chơi, sau đó lan tỏa ra vùng xung quanh.


Trên thực tế, nhiều khu du lịch tại miền Trung đang bị chia nhỏ lẻ và thiếu tính bền vững. Nhiều khu du lịch này phát triển theo khuynh hướng “giữ chỗ” nhằm kinh doanh bất động sản là chính, trong khi phát triển cho sản phẩm du lịch thì còn ít.


“Vấn đề hiện nay là công tác điều hành của Bộ VH,TT&DL sau quy hoạch sẽ ra sao? Tổ chức điều hành như thế nào từ người cao nhất của ngành? Vì người đứng đầu sẽ là khâu nối địa phương với nhau, điều hành vùng du lịch, kinh nghiệm thời gian qua cho thấy không ai là thủ lĩnh vùng du lịch vì chẳng địa phương nào chịu địa phương nào”, ông Lượng nhận xét.


Khi làm quy hoạch cấp bộ chỉ ra định hướng lớn cho từng vùng lãnh thổ. Còn cụ thể hóa phải do từng địa phương trên nguyên tắc bám theo định hướng đã được duyệt và thực hiện dưới sự giám sát của Bộ và Chính phủ. Nếu giám sát tốt thì các địa phương sẽ tuân thủ. Điều đó phụ thuộc vào cơ chế giám sát của Tổng cục, của Bộ VH,TT&DL và quyết tâm thực hiện của lãnh đạo tỉnh.


Bài và ảnh: Xuân Minh


Bài 3: Hạ tầng du lịch: Thiếu và manh mún