05:09 17/05/2012

Du lịch Việt Nam: Cần một “nhạc trưởng”: Bài 3: Hạ tầng du lịch - Thiếu và manh mún

Đối với du lịch, hạ tầng đóng vai trò quan trọng để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch. Chính vì vậy, trong các chuyến khảo sát lữ hành, bao giờ yếu tố hạ tầng cũng được khảo sát kỹ nhất để từ đó thiết kế tour, tư vấn cho khách, cũng như định hình sản phẩm du lịch phù hợp.

Đối với du lịch, hạ tầng đóng vai trò quan trọng để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch. Chính vì vậy, trong các chuyến khảo sát lữ hành, bao giờ yếu tố hạ tầng cũng được khảo sát kỹ nhất để từ đó thiết kế tour, tư vấn cho khách, cũng như định hình sản phẩm du lịch phù hợp.

 

Ảnh hưởng đến việc xây dựng tour


“Khi thiết lập một tour nào đó, chúng tôi đều phải khảo sát chi tiết những cung đường, các điểm dừng, khả năng đáp ứng dịch vụ để cung cấp thông tin cho đối tác cũng như khách hàng. Tiếp đó là hạ tầng du lịch như cơ sở lưu trú, dịch vụ sản phẩm”, anh Lại Văn Quân, Trưởng phòng Điều hành Công ty du lịch Mai Linh cho biết.


“Đơn cử như tuyến vòng cung Tây Bắc, đoạn từ Điện Biên đi Lai Châu vào mùa mưa hay bị sạt lở, cuối năm vừa rồi chúng tôi phải bố trí đi vòng theo đường 279 ra đường 32 qua Than Uyên đi ngược lên Lai Châu. Tuy nhiên khi đi cung đường này vừa xa hơn cung đường dự tính gần 100 km, đường lại xấu khiến khách mỏi mệt. Do đó, các chương trình tham quan sau đó chúng tôi phải điều chỉnh để phù hợp với sức khỏe của khách”, anh Dương Xuân Tráng, Giám đốc chi nhánh Công ty Mai Phượng Vy cho biết.


 

Tàu biển du lịch cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

 

Đại diện Công ty Tân Hồng nhận xét: “Hạ tầng ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn của khách. Chẳng hạn, khách tàu biển đến Hạ Long thường chỉ lưu lại 1 ngày, họ muốn đi Hà Nội nhưng đoạn đường từ Hà Nội đi Hạ Long, dù đã được nâng cấp vẫn có nhiều đoạn bó hẹp, đi mất khoảng 4 tiếng, cả đi và về mất khoảng 8 tiếng, trong khi đến Hà Nội thăm vài điểm chỉ khoảng 4 tiếng. Như vậy, việc di chuyển chiếm 2/3 thời gian của khách. Chính vì vậy ảnh hưởng lớn đến quyết định lựa chọn tour của khách, cũng như việc thiết kế tour, giới thiệu của các hãng lữ hành”.


Không chỉ đường bộ, nơi nào có hạ tầng về sân bay, cầu cảng biển tốt thì nơi đó cũng hấp dẫn du lịch. “Trước tiên, đó là điểm trung chuyển khách. Đơn cử như tại miền Trung, cùng là thế mạnh nghỉ dưỡng, nhưng tại Nha Trang có sân bay quốc tế nên đây là điểm hút khách tuyến đường trước khi phân phối khách tới các điểm du lịch khác”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Lữ hành cho biết. “Tuy nhiên, không thể tỉnh nào cũng xây sân bay, mà từ điểm đó, chúng ta hình thành mạng lưới giao thông, dịch vụ vận tải tốt”.


Trên thực tế, với các điểm du lịch mới, hạ tầng chưa hoàn thiện chỉ đáp ứng loại hình du lịch mạo hiểm, phượt. Với tour truyền thống mang tính đại trà, hạ tầng được hoàn thiện là điều kiện cần đầu tiên để nói đến chuyện thu hút và biến nơi đó thành một điểm du lịch thuần túy.

 

Nguồn vốn “mồi”


Với du lịch, hạ tầng là điều kiện cần để đặt nền tảng cho khai thác một điểm du lịch. “Đặt địa vị là khách du lịch, ai cũng muốn đến điểm du lịch một cách dễ dàng, thuận tiện, đồng thời lưu trú và hưởng dịch vụ theo nhu cầu. Do đó, với hạ tầng cơ sở như làm đường cần nguồn vốn lớn, Nhà nước đầu tư ban đầu để thu hút doanh nghiệp và người dân cùng đầu tư hoàn thiện điểm du lịch”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Lữ hành cho biết.


Trong giai đoạn 2006 - 2010, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 3.460 tỷ đồng cho 59 tỉnh, thành xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) du lịch. Tuy nhiên, theo khảo sát, hàng năm nhu cầu vốn của các tỉnh, thành khoảng 2.500 - 3.200 tỷ đồng, nhưng kế hoạch bố trí vốn hỗ trợ CSHT du lịch của Chính phủ chỉ đảm bảo từ 20 - 25% tổng nhu cầu. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng huy động các nguồn vốn của địa phương để bổ sung đầu tư CSHT du lịch với khoảng 26 - 30% tổng số vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương hàng năm. Nguồn vốn ưu tiên tập trung cho các dự án thuộc khu du lịch quốc gia (tổng số 21 khu) với tổng vốn 1.386 tỷ đồng, chiếm 40% tổng vốn. Về cơ cấu dự án được hỗ trợ đầu tư, hệ thống đường chiếm 89%, cấp nước chiếm 2,5%, cấp điện chiếm 2,2%; thoát nước và bảo vệ môi trường chiếm 6,3%. Nguồn vốn này được coi là nguồn vốn “mồi” và giao cho tỉnh quản lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) kiểm tra đôn đốc thực hiện dự án. “Nguồn vốn đầu tư cho CSHT dù định hướng vào các khu du lịch nhưng khi triển khai tại các địa phương khá dàn trải”, ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết.


Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư CSHT du lịch đóng vai trò như là vốn “mồi” đã làm tăng giá trị đất du lịch, thu hút nhiều nguồn đầu tư khác trực tiếp vào công trình CSHT du lịch và các cơ sở kinh doanh khác trên địa bàn và từ đó tạo tiền đề thu hút khách. Điển hình như Lào Cai thu hút 11 dự án đầu tư với tổng vốn trên 300 tỷ đồng, tạo đà cho khách quốc tế tăng trưởng 66,7% trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều cơ sở hạ tầng khác, nhiều công trình đầu tư kéo dài, phân tán và dàn trải khiến hiệu quả dự án chưa được phát huy. Theo thống kê, có đến 62% tổng số công trình không hoàn thành tiến độ giai đoạn này.


Theo dự tính của Bộ VH,TT&DL, nếu thực hiện theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, nhu cầu đầu tư CSHT du lịch của các tỉnh, thành giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ sẽ vào khoảng 8.000 tỷ đồng, trong đó có tới 4.500 tỷ đồng chuyển tiếp từ giai đoạn 2006 - 2010. Số còn lại các tỉnh huy động các nguồn vốn khác. Các nguồn vốn này sẽ tập trung hỗ trợ CSHT thuộc các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch gắn với vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, những điểm có khả năng thu hút khách và đồng bộ với các tuyến du lịch.


“Việc chậm hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thậm chí đầu tư chưa đúng trọng tâm, kết hợp với nhiều nguyên nhân khác khiến các dự án du lịch chưa phát huy và chưa hình thành các trung tâm, khu du lịch đúng nghĩa. Chẳng hạn, chúng ta luôn nhấn mạnh phát triển du lịch biển là chính nhưng đến giờ phút này chưa có cảng biển cho du lịch là điều hết sức vô lý, do đó du lịch đường biển hiện chưa khai thác được. Cảng biển chính là yếu tố hạ tầng để hấp dẫn khách. Hiện nay, du lịch tàu biển vẫn phải đi ké qua cảng hàng hóa và thực tế du lịch tàu biển của Việt Nam vẫn đì đẹt dù chúng ta có hơn 3.000 km bờ biển”, ông Phạm Trung Lương cho biết.

 

Bài và ảnh: Xuân Cường

 

Bài 4: Nhân lực du lịch: Yếu tố để cải thiện chất lượng dịch vụ