10:19 06/10/2021

Du lịch TP Hồ Chí Minh mở lối đi 'bình thường mới'

Hoạt động du lịch lữ hành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không phát sinh doanh thu trong tháng 9/2021 và đây là tháng thứ 4 liên tiếp, ngành này tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy vậy, trước bối cảnh chính quyền TP Hồ Chí Minh từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, ngành du lịch đang nỗ lực không ngừng để mở lối đi "bình thường mới".

Chú thích ảnh
Sau một thời gian dài giãn cách xã hội, nhu cầu đi du lịch của người dân TP Hồ Chí Minh cũng bắt đầu hồi phục trở lại. Ảnh: Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Thích ứng an toàn với dịch 

Thống kê doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú tháng 9/2021 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt 494 tỷ đồng, tăng 10,5% so với tháng trước và giảm 93,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 9/2021 đạt 459 tỷ đồng, tăng 13,9% so với tháng trước và giảm 93,5% so với tháng cùng kỳ. Sau hơn hai tháng tạm ngừng kinh doanh, hoạt động mở cửa mạng lưới kinh doanh ăn uống với hình thức bán hàng trực tuyến, đồng thời cho phép vận chuyển liên quận là giải pháp phù hợp với diễn biến dịch hiện nay trên địa bàn, giảm thiểu thiệt hại của ngành dịch vụ này, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 9/2021 là 35 tỷ đồng giảm 20,5% so với tháng trước và giảm 93,2% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Phần lớn các đơn vị lưu trú đang hoạt động hiện nay là phục vụ đội ngũ cán bộ y bác sĩ và tình nguyện viên từ các tỉnh về Thành phố để phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra một số khách là chuyên gia thuộc doanh nghiệp, công  ty... đang thực hiện cách ly y tế tại hệ thống khách sạn, điểm lưu trú trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chỉ tiêu của ngành Du lịch Thành phố trong 9 tháng đầu năm 2021 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế mới đến Thành phố Hồ Chí Minh không có; khách du lịch nội địa đạt 7.750.000 lượt khách, giảm 31% so với 9 tháng năm 2020 và giảm 52% so với 9 tháng năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch 9 tháng năm 2021 đạt 39.523 tỷ đồng giảm 31% so với 9 tháng 2020, giảm 62% so với 9 tháng năm 2019. Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh xác định từng bước phục hồi ngành Du lịch theo hướng thích ứng an toàn với dịch COVID-19 và đảm bảo nguyên tắc "An toàn tới đâu, mở cửa tới đó và mở cửa phải an toàn”. Trong đó, thị trường du lịch nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn đầu phục hồi; tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn; chủ động kết nối các địa phương để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings cho rằng, doanh nghiệp nên kiên nhẫn trong giai đoạn “nóng” hiện tại, nhưng thừa nhận đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp khiến các doanh nghiệp vốn đã khó khăn thì nay lại rơi vào tình cảnh hết sức lao đao. Điển hình, hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, máy bay "đắp chiếu", hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ, liên tiếp thông báo lỗ... cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới hoạt động của ngành du lịch. Hiện tại chỉ còn 10% trên tổng số doanh nghiệp du lịch lữ hành còn mở cửa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. 

Theo đó, định hướng thị trường khai thác của Vietravel Airlines là các đường bay du lịch kết nối địa phương - địa phương thông qua 2 trung tâm Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã "đâm thủng" trái tim của ngành du lịch, Hàng không, nên ra đời hãng bay trong thời gian này là một thử thách khó khăn về thị trường, nhưng đổi lại cũng có một số thuận lợi. Cụ thể, tất cả chi phí đầu vào như thuê máy bay, phi công đều giảm rất mạnh so với giai đoạn trước dịch; các chi phí khác về dịch vụ, xăng dầu cũng thấp hơn. Trong bối cảnh ngành hàng không, du lịch đang tung ra các gói kích cầu, cũng hỗ trợ phần nào cho hãng mới gia nhập thị trường. 

"Phá băng" thị trường

Hiện nay, ngành hàng không nói riêng và du lịch nói chung hiện tại đang “đóng băng”, có thể sẽ không bao giờ phục hồi được như trước, nhưng một số phân khúc như du lịch nghỉ dưỡng được dự báo sẽ khôi phục khi vaccine COVID-19 có hiệu quả. Mặc dù vậy, hành khách sẽ thận trọng hơn vì vẫn lo lây bệnh khác và sẽ đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định du lịch trở lại. 

Bên cạnh đánh giá ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực kích cầu du lịch, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, ngành du lịch nên rà soát lại thực trạng nguồn nhân lực và tìm cách thu hút nguồn nhân lực để chuẩn bị sẵn sàng phục vụ mở lối thị trường trong bối cảnh "bình thường mới". Đối với những điểm đến đang tổ chức tour khép kín, cần phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với nhau để đảm bảo an toàn và đủ nguồn lực, đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, có thể kể đến tour Củ Chi và Cần Giờ; còn sắp tới các hãng hàng không sẽ bay lại sẽ kết nối chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đi nhiều địa phương khác và ngược lại.

Còn bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, chính quyền thành phố rất chia sẻ với những khó khăn của ngành du lịch và ghi nhận kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, UBND Thành phố đã đề nghị Sở Du lịch quan tâm và bám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nhanh chống hoàn thiện kế hoạch phục hồi thị trường du lịch trên địa bàn. Để bảo vệ kết quả phòng, chống dịch COVID-19, sở, ngành đã và đang phối hợp cùng doanh nghiệp mở cửa thị trường du lịch phải dựa trên cơ sở an toàn, tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh của chính quyền TP Hồ Chí Minh và Bộ Y tế. Đặc biệt, kế hoạch mở cửa thị trường du lịch đảm bảo chi tiết, cụ thể, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và UBND Thành phố có định hướng hỗ trợ kịp thời. 

Bà Phan Thị Thắng yêu cầu, Sở Du lịch Thành phố thống kê số lượng trường hợp cần ưu tiên vaccine trong ngành, chú trọng bổ sung nguồn nhân lực có đào tạo... Hơn thế nữa, để thích nghi kịp thời với bối cảnh thị trường TP Hồ Chí Minh mở cửa du lịch trở lại, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động sản phẩm tour đáp ứng đủ biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong thời gian gần đây, sản phẩm tour trong khuôn khổ Chương trình về nguồn “Hành trình xanh về vùng đất Thép”; “Cần Giờ - Thiên nhiên tươi đẹp” dành cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn cho thấy tạo được tín hiệu tích cực cho ngành du lịch TP Hồ Chí Minh. Do đó, ngành du lịch nghiên cứu, thiết kế sản phẩm tour hướng vào thị trường nội địa nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Nếu tại TP Chí Minh có trên 10 triệu dân, kết nối thêm liên vùng sẽ mở ra nhiều điểm đến sẵn sàng đón khách cho ngành du lịch trong thời gian tới.

Mỹ Phương (TTXVN)