12:20 19/12/2013

Du lịch tiểu vùng Mêkông hấp dẫn khách quốc tế

Việc hợp tác tiểu vùng sông Mêkông xây dựng Chiến lược phát triển du lịch phục vụ xóa đói giảm nghèo theo đó đã đầu tư cho 29 dự án ưu tiên nhằm phát triển, quảng bá cho 13 vùng du lịch mới dọc sông Mêkông.

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Diễn đàn Hợp tác phát triển tiểu vùng Mê kông 2013 đã được Hội phát triển Hợp tác kinh tế Việt Nam- Lào- Campuchia (Vilacaed) và các đơn vị hữu quan tổ chức nhằm thúc đẩy đầu tư, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực của các nước thuộc tiểu vùng Mêkông, đồng thời là nơi giới thiệu, quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch các nước trong vùng.


Đại diện các nước chia sẻ thông tin hợp tác du lịch tiểu vùng Mêkông


Theo ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Du lịch), từ năm 1994, hợp tác du lịch tiểu vùng Mêkông mở rộng đã bắt đầu hoạt động thông qua sự điều phối của Nhóm công tác về Du lịch (TWG). Sự hợp tác du lịch tiểu vùng Mêkông mở rộng thu hút sự tham gia của cá doanh nghiệp cũng như thúc đẩy đối thoại giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân.


Việc hợp tác tiểu vùng sông Mêkông xây dựng Chiến lược phát triển du lịch phục vụ xóa đói giảm nghèo theo đó đã đầu tư cho 29 dự án ưu tiên nhằm phát triển, quảng bá cho 13 vùng du lịch mới dọc sông Mêkông. Các chương trình tập trung vào xúc tiến quảng bá, marketing du lịch, phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn di sản và quản lý tác động xã hội, tạo thuận lợi đi lại cho du khách thông qua đơn giản hóa thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh…


Hiện lượng khách đến với tiểu vùng sông Mêkông đạt hơn 45 triệu lượt khách quốc tế, và đến 2015, lượng khách quốc tế đến khu vực này ước tính hơn 50 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt 52,4 tỷ USD, tạo việc làm cho 3,8 triệu lao động và tạo cơ hội xóa đói nghèo cho 1,2 triệu người.


Tại diễn đàn, đại diện đến từ các nước trong khu vực cho rằng, quá trình phát triển du lịch tại đây còn gặp nhiều thách thức như cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, trình độ nhân lực du lịch còn thiếu và yếu… Do đó, để phát triển bền vững, các nước trong vùng cần có giải pháp phân phối công bằng hơn lợi ích từ phát triển du lịch, tăng cường biện pháp bảo tồn di sản tự nhiên và văn hóa, bảo vệ nhóm người dễ bị tác động từ du lịch, tạo thuận lợi đi lại cho khách du lịch, đặc biệt là việc cấp visa tại cửa khẩu đường bộ.


Xuân Cường