10:08 07/10/2017

Du lịch Sóc Trăng - Bài 1: Vùng đất giàu tiềm năng

Sóc Trăng là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, lễ hội. Du lịch Sóc Trăng có thể phát triển mạnh mẽ và trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình trong buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng mới đây.

Vùng đất giàu tiềm năng

Sóc Trăng là 1 tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trên địa bàn tỉnh có những điểm đến nổi tiếng như chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Srolôn (chùa Chén Kiểu), Bửu Sơn tự (chùa Đất Sét), chùa La Hán (Vĩnh Thiền tự). Bên cạnh đó, Sóc Trăng có nhiều lễ hội tiêu biểu, như Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo, lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Thác Côn, Lễ hội cúng Phước Biển, Lễ hội sông nước miệt vườn.

Tưng bừng Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Song song với đó, Sóc Trăng là tỉnh đồng bằng ven biển với 72 km bờ biển, 50 km chiều dài của sông Hậu. Dọc những bãi biển là những dãy cù lao xanh, những vườn trái cây và hệ thống sông rạch chằng chịt.Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh vừa có tuyến cao tốc Trần Đề (Sóc Trăng) đi Côn Đảo vừa được đưa vào vận hành vào tháng 7/2017. Có thể nói sản phẩm du lịch này đã tạo cú hích lớn, mở ra nhiều thuận lợi cho du lịch tỉnh Sóc Trăng khi thời gian di chuyển của du khách từ Trần Đề đi Côn Đảo chỉ còn mất 150 phút.

Cùng với những kiến trúc chùa chiền độc đáo có niên đại hàng trăm năm và những thế mạnh về du lịch sinh thái, ở Sóc Trăng còn có những làng nghề thủ công mỹ nghệ đậm nét truyền thống, thuận lợi để tổ chức các hoạt động du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch sông nước miệt vườn kết hợp với du lịch biển. Ở Sóc Trăng còn có những món ẩm thực nổi tiếng như bánh pía, bánh cống, bún nước lèo, cốm dẹp, canh chua cá ngát nấu bần…

Chùa Sà Lôn ở Sóc Trăng. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình: Sóc Trăng cần khai thác và phát huy tốt ba thế mạnh du lịch, đó là tài nguyên văn hóa, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và vị trí ở giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, tỉnh Sóc Trăng đứng hàng đầu về tài nguyên văn hóa trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh đạo tỉnh có sự quyết tâm cao về phát triển du lịch. Ngoài ra, vị trí địa lý và điều kiện đi lại của Sóc Trăng rất thuận lợi để trở thành điểm kết nối về du lịch giữa các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bước chuyển mình

Tỉnh Sóc Trăng đã và đang có những nỗ lực để phát triển du lịch. Du khách đến Sóc Trăng tăng dần qua các năm, từ 600.000 lượt năm 2009 lên 1,3 triệu lượt du khách năm 2016. Trong 9 tháng đầu năm 2017, khách du lịch đến Sóc Trăng hơn 1,1 triệu lượt người.

Số cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan vui chơi giải trí trên địa bàn ngày càng tăng. Tỉnh Sóc Trăng hiện có 8 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh, 4 điểm du lịch cấp tỉnh và 5 điểm đạt chuẩn dừng chân phục vụ khách du lịch. Lãnh đạo tỉnh đã trao đổi cùng các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp nâng cấp các điểm du lịch như điểm du lịch Tân Huê Viên, chùa Dơi, trung tâm văn hóa triển lãm Hồ nước ngọt, chùa Chén Kiểu, trung tâm Từ thiện Văn hóa Tâm linh Phật giáo Sóc Trăng.

Sóc Trăng cũng đã đầu tư phát triển một số hạng mục hạ tầng kết nối để làm tiền đề phát triển du lịch như đường dẫn vào Khu du lịch sinh thái Hồ Bể, Mỏ Ó, đê bao cồn Song Phụng, khu căn cứ Tỉnh ủy… Ngày 2/8/2016, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; ngày 12/12/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Chương trình hành động số 06 để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 05.

Chùa Dơi ở Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Trong 1 năm thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động, tỉnh Sóc Trăng Sóc Trăng đã cho ra mắt Tổ hợp tác du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, tuyến du lịch Trần Đề - Côn Đảo; một số dự án đang gấp rút được tiến hành như: khu du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên – Chùa Bốn Mặt, khu du lịch sinh thái Hồ Bể, du lịch sinh thái vườn cò Gia Hòa…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng cho biết: Sóc Trăng phấn đấu duy trì lượng du khách tăng bình quân 7%/năm, doanh thu bình quân 20%/năm. Năm 2020, lượng khách du lịch đến Sóc Trăng là 1,7 triệu lượt/năm; tỉnh có ít nhất 1 điểm du lịch cấp quốc gia, 1 khu du lịch và 7 điểm du lịch cấp tỉnh được công nhận. Đến năm 2025, Sóc Trăng có thêm ít nhất 1 điểm du lịch cấp quốc gia, 1 khu du lịch và 3 khu du lịch cấp tỉnh được công nhận.

Tuy nhiên, hiện nay, du khách đến  Sóc Trăng chủ yếu mới chỉ là  dừng chân tham quan một số ngôi chùa, thưởng thức một vài đặc sản ẩm thực rồi di chuyển về Bạc Liêu, Cà Mau hoặc Cần Thơ để nghỉ ngơi. Ngay cả tuyến du lịch Trần Đề - Côn Đảo, du khách di chuyển trong đêm xuống Sóc Trăng để sáng mai lên tàu hoặc dừng chân ngủ ở Cần Thơ, sáng mai đi chợ nổi Cái Răng sau đó di chuyển xuống Trần Đề đi Côn Đảo.

Vì vậy để du khách “đến, ở, tham quan” chứ không đơn thuần là “dừng chân”, tăng doanh thu cho ngành du lịch đòi hỏi nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa của tỉnh Sóc Trăng.

(Còn tiếp bài 2)
Hoài Thu (TTXVN)